.

Nguy cơ trở thành vùng thánh chiến

Cuộc khủng hoảng chính trị ở Syria diễn ra gần 2 năm và cướp đi mạng sống của khoảng 20.000 người dân vô tội. Thế nhưng, cả nội bộ Syria lẫn cộng đồng quốc tế vẫn loay hoay tìm lối thoát vì có quá nhiều khác biệt về quan điểm và cách thức. Đỉnh điểm của mâu thuẫn đó là cuộc xung đột giữa phe nổi dậy với quân Chính phủ tiếp tục diễn ra đẫm máu tại Aleppo; còn Hội đồng Bảo an LHQ vẫn không ra được nghị quyết, trong khi Đại hội đồng LHQ lại ra nghị quyết cảnh báo tình trạng xung đột vũ trang tại Syria; bên cạnh đó là sự ra đi của đặc phái viên Kofi Annan sau những nỗ lực của ông bị thất bại.

Nhưng ở một khía cạnh khác không kém phần quan trọng là Mỹ và phương Tây đã “thọc tay” vào Syria như thế nào? Và họ đang ủng hộ ai trong cuộc tranh giành quyền lực mang tính nội bộ ở quốc gia này? Mỹ và phương Tây nói rằng, họ ủng hộ tiến trình dân chủ nhưng sẽ không can thiệp vũ trang hoặc không cung cấp vũ khí cho lực lượng nổi dậy tại Syria. Thậm chí, người phát ngôn Nhà Trắng còn cho hay, chính quyền Mỹ sẽ không có bất kỳ sự ủng hộ cụ thể nào cho đến khi cuộc bầu cử Tổng thống kết thúc. Vậy mà mới đây, báo chí Mỹ tiết lộ Tổng thống Barack Obama đã ký sắc lệnh bí mật “bật đèn xanh” cho Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) can thiệp và tài trợ tài chính, vũ khí cho phe nổi dậy chống chính quyền của Tổng thống Assad.

Các báo phương Tây số ra mới đây đã lên tiếng cảnh báo rằng, lực lượng chống Chính phủ Syria hầu hết là các phần tử Hồi giáo cực đoan. Nhật báo Libération (Pháp) có bài viết nhan đề: “Syria có trở thành khu vực thánh chiến mới hay không?”. Bài báo nêu câu hỏi như thế, bởi tại Syria, trong hàng ngũ phe nổi dậy có các phần tử Hồi giáo cực đoan chiến đấu không phải vì tự do dân chủ mà vì mâu thuẫn tôn giáo và những phần tử này thường thuộc phe Hồi giáo dòng Sunni đối lập.

Trong vùng Aleppo - nơi đang là chiến trường quyết tử của quân đội Chính phủ và phe nổi dậy, các phần tử Hồi giáo cực đoan không còn ngần ngại công khai lộ diện. Họ đang nắm quyền kiểm soát cửa khẩu Bab el-Hawa, vùng Tây Bắc đất nước, giáp với Thổ Nhĩ Kỳ. Hôm 20-7, khoảng hơn 100 người của một nhóm Hồi giáo cực đoan đã chiếm cửa khẩu này. Chiến binh của họ mang băng đen có hàng chữ trắng: “Chỉ có Thượng đế và đấng tiên tri Mohamed mà thôi”.

Cũng theo nhật báo Libération, một người tự xưng là chỉ huy của một tổ chức Hồi giáo cực đoan ở miền Bắc Syria nói rằng, ông ta là người Hồi giáo Sunni và tuyên bố sẽ trả thù thẳng tay, không tha thứ cho bất cứ kẻ thù nào. Một người đàn ông khác tự xưng là lãnh đạo của một tổ chức vũ trang bao gồm hàng trăm nhóm khác nhau có lời lẽ mập mờ, không có kế hoạch rõ ràng về tương lai đất nước nếu lật đổ được Chính phủ Assad. Theo Libération, nhân vật này từng là lãnh đạo của phong trào thánh chiến vào những năm 1990. Tờ báo cho biết, ngoài các phần tử Hồi giáo cực đoan đang kiểm soát cửa khẩu nói trên, từ giữa tháng 7 vừa qua, từ 400-500 chiến binh cực đoan khác đã đến đóng quân tại một căn cứ gần ngôi làng Harem, miền Đông Bắc Syria. Hoạt động của nhóm này rất bí mật, họ được huấn luyện rất kỹ lưỡng, đặc biệt trong hàng ngũ có cả người đến từ nước khác như Libya, Tunisia…

Những lời kêu gọi chống Chính phủ Assad của các tổ chức Hồi giáo cực đoan ngày càng nhiều ở Syria. Đã có ít nhất 2 tổ chức liên quan Al-Qaeda đến tham chiến ở nước này. Trong khi đó, quan điểm của phe nổi dậy có vẻ không thống nhất. Lãnh đạo quân sự của phe nổi dậy ở Aleppo khẳng định: “Không hề có phần tử thánh chiến hay người nước ngoài nào tham gia chiến đấu ở Syria”. Trong khi đó, một lãnh đạo khác lại cho biết “đã có nghe nói” về sự hiện diện này. Cuối cùng, Libération kết luận: Sau hơn một năm đất nước rơi vào khủng hoảng chính trị, Syria đang có nguy cơ trở thành vùng thánh chiến.

Nếu tình hình diễn ra đúng như vậy, Syria sẽ giống Algeria, Yemen, Somalia… và tất yếu cái giá mà Mỹ và phương Tây phải trả sẽ rất đắt. Bởi lẽ, chính họ đang cổ xúy cho một cuộc nội chiến đẫm máu và biến Syria thành vùng đất màu mỡ cho các phần tử Hồi giáo cực đoan hoạt động.

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.