.

Quyền cư trú chính trị và miễn trừ ngoại giao bị thách thức

Năm 2010, khi trang mạng WikiLeaks cho công khai hàng ngàn tài liệu mật có liên quan đến ngoại giao, quân sự của Mỹ trong cuộc chiến tranh ở Iraq và Afghanistan, ngay lập tức đã làm rúng động giới truyền thông và chính trường của nhiều quốc gia trên thế giới. Những thông tin mà WikiLeaks phơi bày đã lộ ra nhiều mảng tối của Chính phủ Mỹ cũng như một số quốc gia liên quan.

Để chống lại nhà sáng lập WikiLeaks Julian Assange, một vụ án “xâm hại tình dục” đã được Chính phủ Thụy Điển tiến hành, còn Mỹ đã cáo buộc ông tội xâm hại an ninh quốc gia do vụ phát tán hàng ngàn tài liệu mật. Nhiều thông tin cho thấy việc tìm cách đưa ông Julian Assange sang Thụy Điển để điều tra, xét xử về cáo buộc liên quan đến tình dục chỉ là bước đệm để tới Mỹ trong một tội danh nghiêm trọng hơn.

Cách đây 2 tháng, cảm thấy tính mạng không an toàn, Julian Assange đã vào xin cư trú chính trị tại Đại sứ quán Ecuador ở London (Anh) và ngày 16-8 đã được Tổng thống Raphael Correa của Ecuador chấp thuận cho phép ông tị nạn tại Ecuador. Nhưng chính phủ Anh không cho Assange rời London, vì theo Ngoại trưởng nước này, Anh có nghĩa vụ giao ông cho Thụy Điển, nơi đã có trát bắt ông chủ Wikileaks. Thậm chí Anh còn cho hay họ sẽ tấn công vào sứ quán Ecuador để bắt ông Assange (?!).

Ngay lập tức chính quyền Ecuador đã lên tiếng phản đối quyết liệt và dọa có hành động đáp trả mạnh mẽ nếu Anh xâm phạm đến Đại sứ quán Ecuador ở London. Không những vậy, Ecuador còn đề nghị một Hội nghị cấp Ngoại trưởng Liên minh Bolivar vì các Dân tộc Mỹ Latinh, gọi tắt là ALBA - mà Ecuador là thành viên (cùng với Cuba, Venezuela, Bolivia, Nicaragua, Dominica, Saint Vincent và Grenadines, Antigua và Barbuda) diễn ra ngày 19-8. Đích thân Tổng thống Ecuador Correa đến dự, đồng thời lên án những hành vi đe dọa “thô thiển và không thể chấp nhận được” của Chính phủ Anh. Tất cả các Ngoại trưởng có mặt tại hội nghị ra tuyên bố ủng hộ quyết định của Ecuador cho Julian Assange cư trú chính trị và nói rõ rằng khả năng cảnh sát Anh xâm nhập vào các cơ sở của Đại sứ quán Ecuador tại London là vi phạm quyền miễn trừ ngoại giao, đồng thời khẳng định nước Anh sẽ nhận hậu quả nghiêm trọng không chỉ đến từ Ecuador.

Nhiều nhà phân tích chính trị - trong đó có nhiều người Anh - cho rằng cách giao tiếp của Chính phủ Anh đặc biệt vụng về, không thể chấp nhận được ở một quốc gia văn minh, hơn thế London còn là thành viên của HĐBA LHQ. Dù Ngoại trưởng Anh đã cố làm dịu tình hình, nói rằng không hề có ý định đột nhập vào Đại sứ quán Ecuador để bắt giữ Assange, nhưng việc gợi lên một đạo luật Anh cho phép bãi bỏ quy chế ngoại giao là lời đe dọa vô cùng nguy hiểm và bị dư luận quốc tế phản đối mạnh mẽ.

Bên cạnh đó, ông Assange đã không ngần ngại lên tiếng tố cáo Mỹ đang tạo ra “một thế giới nguy hiểm và áp bức” khi đe dọa khởi tố các nhà báo. Ông nói rằng, Mỹ đang tiến hành chiến dịch sách nhiễu, gây rối đối với WikiLeaks dưới danh nghĩa bảo vệ an ninh trật tự cho công chúng.

Những diễn biến đó cho thấy sẽ không sớm có lối thoát cho “sự cố” ngoại giao giữa Anh với Ecuador về vụ Julian Assange cư trú chính trị, mà có nguy cơ phức tạp hơn nhiều khi ALBA định đưa vụ việc lên HĐBA LHQ. Một lần nữa thế giới ngoại giao lại đứng trước thách thức về quyền cư trú chính trị và quyền miễn trừ ngoại giao đã được Hiến chương và Công ước của LHQ quy định.

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.