Trong chuyến công du châu Á - Thái Bình Dương kéo dài 11 ngày, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã đặt chân đến quần đảo Cook, Indonesia, Trung Quốc; và ngày 6-9, bà dừng chân ở Đông Timor - quốc gia non trẻ nhất của khu vực. Hành trình của bà được giới quan sát đánh giá là thành công bởi chuyển tải được những thông điệp của Mỹ đến từng quốc gia, khẳng định sự quan tâm đặc biệt của cường quốc từ bên kia đại dương đối với một châu Á - Thái Bình Dương đang trỗi dậy. Song, chỉ có một chút “trục trặc” ở Bắc Kinh khi cuộc gặp của bà với Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bị hủy mà không rõ lý do.
Truyền thông thế giới đặt câu hỏi và có những đồn đoán về cuộc gặp bị hủy do sự lạnh nhạt từ phía Trung Quốc. Thật ra, mâu thuẫn, bất đồng, thậm chí là dị biệt giữa Mỹ và Trung Quốc xảy ra trong chuyến công cán của quan chức Washington đến Bắc Kinh hay quan chức Bắc Kinh đến Washington không phải là chuyện mới mẻ. Điều này cũng đã được dự báo ngay trước khi bà Clinton đáp chuyến bay đến thủ đô Bắc Kinh rằng, Mỹ không được can thiệp vào tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông; và rằng vấn đề Biển Đông là chuyện giữa Trung Quốc với các nước liên quan nên sẽ không có đàm phán đa phương nào… Dày dặn những trải nghiệm về ngoại giao trên trường quốc tế, bà Clinton thừa hiểu việc thuyết phục “ông lớn” Trung Quốc dễ dàng thống nhất Bộ Quy tắc ứng xử giữa các bên trên Biển Đông (COC) thật không dễ. Bởi lẽ, từ trước đến nay, trong vấn đề tranh chấp ở Biển Đông, bất chấp những phản ứng của nhiều nước ASEAN, Trung Quốc toàn nói một đằng, làm một nẻo. Vì vậy, mặc dù kỳ vọng sẽ nhân dịp này xoa dịu căng thẳng trên Biển Đông, giảm thiểu nguy cơ xung đột, nhưng mong muốn giản đơn của bà Clinton chỉ là Washington và Bắc Kinh tái khẳng định những gì 2 nước từng cam kết, đang cam kết, từng thực hiện và đang thực hiện. Trong 2 ngày ở Trung Quốc (ngày 4 và 5-9), bà đã không có những tuyên bố gây phản ứng cho báo giới nước này như “Thái Bình Dương đủ lớn cho mọi nước…”.
Không phải chỉ lần này mà nhiều lần trước đó, Trung Quốc cứ khuyến cáo Mỹ đang tìm cách tạo sự đối trọng với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và kiềm chế sự trỗi dậy cả về kinh tế lẫn quân sự của nước này. Báo chí Trung Quốc còn liên tiếp “ra đòn” khuyến cáo Mỹ rằng, Washington phải tôn trọng các lợi ích cốt lõi của Bắc Kinh. Song, Mỹ ra sức lý giải và chứng minh: Chiến dịch “xoay trục” của Washington tại châu Á không phải để kiềm chế Trung Quốc. Hơn nữa, Mỹ còn chào đón một Trung Quốc thịnh vượng, hòa bình.
Mỹ nói như thế, Trung Quốc cũng nói như thế và mỗi bên đều muốn bảo vệ quan điểm của mình. Vì vậy, dẫu có những cái bắt tay tại Bắc Kinh giữa bà Clinton với các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng như với Ngoại trưởng Dương Khiết Trì, nhưng cái bắt tay đó không thật sự nồng ấm vì vẫn còn những dị biệt, những bất đồng chưa thể hàn gắn. Mỹ muốn thực hiện và sẽ không từ bỏ chiến dịch “xoay trục” (hướng đến châu Á - Thái Bình Dương, thay vì tập trung vào Trung Đông như trước). Tuy nhiên, Trung Quốc lại rất đỗi lo ngại về việc “xoay trục” này.
VĨNH AN