.

Nga - Mỹ vẫn quay lưng trong vấn đề Syria

Những diễn biến trên chiến trường và trong các hoạt động ngoại giao con thoi cho thấy, cuộc khủng hoảng chính trị dẫn đến xung đột vũ trang làm hơn 20.000 người thiệt mạng trong 2 năm qua tại Syria không chỉ là chuyện nội bộ của nước này mà nó nằm trong tay các siêu cường quốc tế, cốt lõi là Mỹ và các đồng minh muốn lật đổ chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad. Trong khí đó, Nga không muốn như vậy mà quá trình lật đổ ông Assad phải được diễn ra theo trình tự của Hiến pháp và do chính người dân nước này định đoạt. Bởi vậy, Mỹ và phương Tây ra sức ủng hộ phe đối lập không chỉ bằng lời nói mà cả về quân sự lẫn kinh tế để tấn công vào quân đội Chính phủ, gây ra nhiều vụ thảm sát thường dân đẫm máu. Còn Nga bác bỏ mọi cuộc can thiệp quân sự từ bên ngoài, xúc tiến các hoạt động ngoại giao để các bên liên quan của Syria ngồi lại với nhau tìm giải pháp hòa bình thỏa đáng. Chính sự dị biệt đó càng làm Nga và Mỹ không thể tìm được tiếng nói chung trong các phiên họp của HĐBA LHQ để thông qua Nghị quyết về vấn đề Syria. Hơn thế, tiền lệ một “kịch bản Libya” đã làm không chỉ Nga mà cả Trung Quốc phải cảnh giác về một cuộc can thiệp vũ trang là chuyện đã rồi.

Gần đây, bên lề Diễn đàn cấp cao APEC tại Vladivostok (Nga), cả Mátxcơva lẫn Washington cố ngồi lại với nhau để tìm các thỏa thuận cho vấn đề Syria. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã trao đổi với đồng nhiệm Nga, ông Sergei Lavrov bên lề hội nghị APEC. Ông Lavrov nói rằng, cuối tháng 9 này, Mátxcơva sẽ thúc đẩy HĐBA LHQ thông qua thỏa thuận Geneva đạt được vào cuối tháng 6 vừa qua. Thỏa thuận này ấn định các nguyên tắc chuyển tiếp chính trị tại Syria, đang bị phá  hoại bởi cuộc nội chiến, nhưng không kêu gọi sự ra đi của ông Assad.

Còn Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã chỉ trích các chính sách bên trong nước Nga và lập trường của Mátxcơva trong cuộc xung đột hiện nay tại Syria. Ngược lại, Ngoại trưởng Lavrov nói rằng, các biện pháp trừng phạt đơn phương của Mỹ đối với Syria đã tác động lên lợi ích thương mại của Nga nên cách tiếp cận đó không thể chấp nhận.

Tuy nhiên, bà Clinton cho biết sẽ tiếp tục hợp tác với đồng nhiệm Nga để xem xét lại kế hoạch chuyển tiếp chính trị tại Syria. Bà hy vọng rằng, sẽ có những bước tiến bộ, đồng thời cũng nhìn nhận có nhiều điểm bất đồng giữa Mỹ và Nga về vấn đề Syria.

Trước đó, trong cuộc gặp với Tổng thống Vladimir Putin, Ngoại trưởng Clinton nói rằng, các cuộc thảo luận giữa bà với nhà lãnh đạo Nga đã không đạt được bao nhiêu tiến bộ về việc làm thế nào để đáp ứng trước cuộc nổi dậy của người dân Syria chống chế độ cai trị độc tài của Tổng thống Assad. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cảnh báo trong trường hợp bất đồng tiếp diễn, Mỹ sẽ hành động cùng với những quốc gia nào có cùng chung quan điểm để hỗ trợ phe đối lập lật đổ chế độ Assad và giúp đỡ Syria xây dựng một nền dân chủ tương lai (?!).

Điều đó cho thấy, 2 siêu cường Nga - Mỹ đang quay lưng lại với nhau trong khá nhiều vấn đề, trong đó Syria là đỉnh điểm của sự bất đồng. Ngoại trưởng Mỹ đưa ra lời cảnh báo nếu không tìm tiếng nói chung thì Mỹ sẽ gia tăng ủng hộ phe đối lập, hàm nghĩa cả hành động quân sự, để lật đổ chế độ Assad. Tất nhiên, trong trường hợp đó, Nga cũng không thể khoanh tay ngồi nhìn như họ đã từng cay đắng chấp nhận cuộc chiến đã rồi tại Libya cách đây không lâu.

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.