Căng thẳng giữa Israel với Mỹ trong tuần này không những làm Thủ tướng Benjamin Netanyahu khó khởi động cuộc tấn công chống Iran mà còn đẩy ông vào tình thế bất lợi ở trong nước.
Sau nhiều năm cảnh báo về mức độ nguy hiểm xung quanh chương trình hạt nhân của Iran, nhà lãnh đạo Israel vẫn không thể thuyết phục được bất kỳ cường quốc nào trên thế giới dùng biện pháp quân sự để chống Tehran, mà ông cũng không thuyết phục được người dân ở chính nước mình thống nhất việc Tel Aviv nên hành động một mình.
Trong quan điểm bất đồng với Mỹ về biện pháp đối phó Iran, Thủ tướng Netanyahu vô hình trung tạo thế khó cho ông Barack Obama khi bước vào chiến dịch bầu cử Tổng thống. Thế là ông Netanyahu bị chính Bộ trưởng Quốc phòng của mình, ông Ehud Barak, chỉ trích. Còn Iran không thể không hài lòng khi ung dung nhìn những kẻ thù của mình tranh cãi nhau về khả năng tiến hành một cuộc chiến. Bởi vậy, cựu quan chức của Bộ Ngoại giao Israel Alon Liel cho rằng, ông Netanyahu đang với quá tay.
Là nước duy nhất có kho vũ khí hạt nhân ở khu vực Trung Đông, từ lâu Israel đã đe dọa tấn công Iran nếu Tehran không từ bỏ tham vọng về hạt nhân. Nhiều nước phương Tây cũng tin rằng, Tehran đang nỗ lực tạo bom nguyên tử. Israel thành công trong việc cảnh báo các đồng minh phương Tây về việc phải trừng phạt Iran, nhưng không giành được sự ủng hộ của những nước này về hành động quân sự. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton khẳng định Washington sẽ không ra “tối hậu thư” và cũng không có “vạch đỏ” nào với Iran, như đề xuất của Israel.
Ở trong nước, Thủ tướng Netanyahu đối mặt với sự chỉ trích. Ông Shaul Mofaz, Chủ tịch Đảng đối lập lớn nhất nước Kadima, đặt câu hỏi rằng lãnh đạo Tel Aviv muốn thay thế ai, Chính phủ Washington hay Tehran. Đồng thời, ông Mofaz nói rằng “thế giới không ốm vì Israel, thế giới không ốm vì Netanyahu...” với hàm ý vị Thủ tướng này đang với quá tay.
VĨNH AN