.

Đồng hành với Mỹ

Sách Trắng “Úc trong thế kỷ châu Á” đặt ra mục tiêu năm 2025, GDP bình quân đầu người của nước này sẽ thuộc nhóm 10 quốc gia đứng đầu thế giới, tăng từ vị trí thứ 13 trong năm 2011. Sách Trắng nêu rõ hơn: “GDP bình quân đầu người thực tế sẽ đạt 73.000 AUD (hơn 75.000 USD/người) vào năm 2025 so với mức 62.000 AUD (hơn 64.000 USD) của năm 2012”.

Ngoài ra, Úc đề ra mục tiêu được xếp vào nhóm 5 quốc gia có điều kiện giao dịch kinh doanh cởi mở nhất thế giới. Về giáo dục, Úc muốn thuộc nhóm 5 quốc gia có hệ thống đại học dẫn đầu thế giới, tăng từ vị trí thứ 10 hiện nay.

Để đạt được mục tiêu đó, Úc đặc biệt chú trọng tăng cường hợp tác với châu Á. Nâng quan hệ mậu dịch của Úc với châu Á sẽ đạt ít nhất 1/3 GDP nước này, tăng đáng kể so với mức 1/4 hiện nay. Tối thiểu, 1/3 thành viên ban giám đốc của 200 công ty và các cơ quan liên bang hàng đầu của Úc là những người có nhiều kinh nghiệm, hiểu biết sâu sắc về châu Á. Canberra cũng đề ra mục tiêu tăng cường quan hệ ngoại giao với nhiều nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Đồng thời, việc Úc cùng Nhật Bản chia sẻ nhiều lợi ích và giá trị chung cũng được khẳng định khi hai bên đều là đồng minh thân cận của Mỹ.

Vì sao Úc lại nhanh chóng chuyển dịch trọng tâm chiến lược phát triển sang châu Á, chỉ sau thời gian Mỹ triển khai kế hoạch tương tự từ Âu sang Á? Chuyên gia về châu Á Daniel Twining trong bài viết trên ABC từng nhận định rằng, một sự dịch chuyển toàn cầu bất thường đang diễn ra khi quyền lực từ phương Tây truyền thống chuyển sang các cường quốc đang nổi lên. Vị trí địa lý châu Á của Úc sẽ giúp quốc gia này hưởng lợi từ sự dịch chuyển đó. Nền kinh tế Úc đã nhận được chất xúc tác trong một thập niên qua nhờ việc bán hàng hóa cho Trung Quốc và các cường quốc châu Á khác. Úc may mắn được hưởng một liên minh thân thiết với cường quốc đứng đầu thế giới là Mỹ cũng như các quan hệ kinh tế sâu sắc với siêu cường đang nổi lên là Trung Quốc.

Có thể thấy sự chuyển dịch chiến lược của Úc có sự gắn kết với Mỹ trên nhiều phương diện, về chính trị, quân sự và hướng đến đích cuối cùng là kinh tế. Phát biểu tại cuộc đối thoại lãnh đạo Úc - Mỹ, một hội nghị không chính thức nhưng có tính ảnh hưởng cao được tổ chức nhằm củng cố liên minh giữa hai nước tại thành phố Perth ngày 14-8-2011, Thủ tướng Úc Julia Gillard nhấn mạnh vị trí của  quốc gia này trong “Thế kỷ châu Á - Thái Bình Dương” sẽ là thách thức an ninh quốc gia lớn nhất mà Canberra sẽ phải đối mặt trong những năm sắp tới và khẳng định sự ổn định kinh tế của Mỹ mang tính sống còn đối với an ninh trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Theo bà Gillard, tương lai của nền kinh tế Úc phụ thuộc vào việc duy trì sự ổn định chiến lược ở châu Á cũng như sự cởi mở của nước này đối với thương mại và kinh doanh. Úc đang phải đối mặt với những thay đổi chưa có tiền lệ và cũng sẽ cần phải “củng cố, điều chỉnh và nuôi dưỡng” mối quan hệ của mình với Mỹ nhằm vượt qua những tình trạng tiến thoái lưỡng nan khó khăn về chính sách.

Bà Gillard cũng nói về việc tăng cường các kế hoạch an ninh quốc gia của Úc và Mỹ, cũng như việc củng cố sự ủng hộ của bà đối với cuộc chiến chống khủng bố. Canberra đang tiến hành xem xét lại việc bố trí lực lượng nhằm bảo đảm các lực lượng quốc phòng Úc được phân bổ, điều động về mặt địa lý để đáp ứng những thách thức an ninh và chiến lược trong tương lai. Bộ trưởng Quốc phòng Stephen Smith cho hay, việc gia tăng số lượng các chuyến thăm và sự đòn trú của binh sĩ Mỹ tại Úc có thể là cải cách lớn nhất trong liên minh của hai nước kể từ những năm 1980.

Do vậy, việc Úc chuyển trọng tâm chiến lược sang châu Á để đồng hành với Mỹ thực hiện những mục tiêu đã định là điều dễ hiểu. Chỉ có vấn đề còn lại là Canberra sẽ làm được những gì để tham gia kiến tạo sự ổn định của châu Á và đạt được những tham vọng về kinh tế đã đặt ra mà thôi.

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.