.

Người thay thế

Khoảng hơn 10 năm  trở lại đây, Trung Quốc được ví như một đại công xưởng của thế giới, khi nhiều ngành kinh tế mũi nhọn của các nước công nghiệp phát triển đều chọn Trung Quốc để mở cơ sở sản xuất, đặt hàng. Bởi lẽ, trong khi giá nhiên liệu, nguyên liệu và nhân công ở các nước Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Nhật... đều hiếm và đắt thì tại Trung Quốc rất rẻ, tạo nên giá thành sản phẩm có sức cạnh tranh cao.

Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, tình hình ở Trung Quốc có những bất ổn, giá nhiên liệu, nguyên liệu và nhân công không còn như trước nữa đã khiến nhiều doanh nghiệp phải rời nước này để tìm đến những thị trường lao động khác rẻ hơn, và thị trường các nước Đông Nam Á là điểm đến lý tưởng. Ngoài Việt Nam, Thái Lan, Malaysia, theo các nhà quan sát, Indonesia ngày càng có dáng dấp một “công xưởng” mới của thế giới bởi nhiều tập đoàn công nghiệp của châu Âu cũng như các châu lục khác đang đổ dồn đến thị trường này.

Từ năm 2004, Chính phủ Indonesia đã bắt đầu triển khai nhiều chính sách “trải thảm đỏ” mời gọi các nhà đầu tư nước ngoài như đơn giản hóa thủ tục lập doanh nghiệp, thành lập các đặc khu kinh tế theo kiểu Trung Quốc, đơn giản hóa thủ tục hải quan và thuế khóa hợp lý... Kết quả, nhiều đại gia công nghiệp đã tìm đến Indonesia, trong đó có cả doanh nghiệp châu Á như Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản. Doanh nghiệp đến từ Mỹ và châu Âu trong những lĩnh vực quan trọng như năng lượng, sản xuất ô-tô, công nghệ viễn thông... cũng tăng nhanh đáng kể. Điều này đã nhanh chóng làm Indonesia trở thành nơi hội tụ khá nhiều các nhà đầu tư nước ngoài có tên tuổi đến đầu tư phát triển.

Một trong những lo ngại của khách du lịch và các nhà đầu tư nước ngoài là nạn khủng bố thì sau vụ khủng bố kinh hoàng ở Bali, Chính phủ Indonesia đã tập trung lực lượng truy quét triệt để không còn mấy cơ hội cho các nhóm khủng bố hoạt động.

Theo ghi nhận của các nhà quan sát kinh tế, từ nhiều tháng nay, Indonesia tiếp tục thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, với lợi thế là tình hình chính trị tương đối ổn định, kinh tế đang trên đà phát triển nhanh (tăng trưởng 6%/năm kể từ năm 2007), nguồn tài nguyên dồi dào, thị trường tiêu thụ đầy hứa hẹn với 200 triệu người. Năm nay, đầu tư nước ngoài tại Indonesia có thể đạt đến 25 tỷ USD, tức tăng 24% so với năm 2011 và ước tính đạt 33 tỷ USD vào năm 2014.

Về nguyên nhân Indonesia làm các nhà đầu tư nước ngoài say đắm, nhật báo L’Express (Pháp) cho biết, đó là do giá nhân công ở nước này rất thấp. Chẳng hạn, trong ngành may mặc, giá lao động tại Indonesia chỉ 1,08 USD/giờ, rẻ hơn 2 lần so với Trung Quốc và thấp hơn 30 lần so với Nhật Bản.

Bên cạnh đó, các nhà đầu tư còn bị thu hút bởi thị trường tiêu thụ đầy hứa hẹn tại Indonesia với 200 triệu người có sức mua cũng khá mạnh mẽ. Nhiều nhà đầu tư đến Indonesia không phải để sản xuất ra hàng hóa xuất khẩu sang thị trường khác mà tranh thủ khai thác chính thị trường tiêu thụ tại đất nước này. Hơn nữa, tầng lớp trung lưu có thu nhập hơn 3.000 USD/năm tại Indonesia đang tăng nhanh, ước tính đến năm 2030 sẽ chiếm đến 1/3 dân số. Thêm vào đó, tầng lớp trung lưu tại Đông Nam Á nói chung cũng đang tăng nhanh, tạo thành một thị trường béo bở cho các nhà sản xuất trong tương lai gần. Nói cách khác, sức tiêu thụ nội khối ASEAN sẽ tăng với tốc độ nhanh khi thị trường chung của Đông Á hình thành vào năm 2015, như Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN tuyên bố.

Ngoài ra, một vấn đề không kém phần quan trọng là việc đầu tư nước ngoài tăng, Indonesia dĩ nhiên có nhiều lợi ích, nhất là có thể giải quyết được vấn đề việc làm cho hàng vạn lao động.

Việc Indonesia ngày càng có dáng dấp của một “công xưởng” mới của thế giới, thay thế Trung Quốc đang làm cho tình hình có những thay đổi đáng kể. Sự chuyển dịch này đã phản ánh một thực tế là Đông Á ngày càng có vị trí đáng kể không chỉ đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương mà cả thế giới.

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.