Thắng lợi lớn của Tổng thống Barack Obama được cho là chiến thắng lịch sử bởi trong lúc này, cử tri vẫn thất vọng về ông khi nền kinh tế Mỹ phục hồi chậm, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao (ở mức 7,9% trong ngày bầu cử 6-11)…
Ông Obama có thể tiếp tục chính sách đối ngoại còn dang dở của mình, trong đó có việc xích lại gần châu Á - một khu vực đang trỗi dậy, nằm trong “tầm ngắm” của Mỹ, thay vì châu Âu già cỗi và đang rơi vào khủng hoảng nợ công, hay Trung Đông giàu dầu mỏ nhưng trải qua một thập niên chiến tranh. Giới quan sát hoàn toàn có cơ sở khi cho rằng, nhiệm kỳ tới sẽ không ngọt ngào với Obama, chặng đường của ông cũng sẽ không có nhiều hoa hồng, mà sẽ lắm chông gai, lắm thách thức…
Cử tri Mỹ lựa chọn ông Obama bởi lẽ họ không phủ nhận những nỗ lực của vị Tổng thống 51 tuổi, bởi những gì ông làm được cho đất nước không ít: thông qua chương trình cải cách y tế, chương trình thúc đẩy kinh tế, áp dụng các luật mới đối với phố Wall và ngân hàng để cứu vãn cuộc khủng hoảng tài chính…
Bốn năm qua, Tổng thống Obama cũng đã chứng minh năng lực và bản lĩnh của người đứng đầu Nhà Trắng: ông nói được và làm được. Ông hứa rút quân khỏi Iraq, kết thúc cuộc chiến bị sa lầy mà người tiền nhiệm để lại thì ông cho từng bước rút quân. Ông hứa kết thúc cuộc chiến đằng đẵng ở Afghanistan thì ông tiến hành chiến dịch tìm diệt Osama bin Laden rồi cũng cho từng bước rút quân… Giải Nobel Hòa bình được trao cho ông vào năm 2009 là sự tưởng thưởng cho những nỗ lực đó, dù thời điểm trao giải cách lúc ông nhậm chức chỉ vỏn vẹn gần 2 năm, nhưng những người Mỹ ủng hộ ông trong cuộc bầu cử năm 2008 có thể hài lòng.
Hơn ai hết, Tổng thống Obama hiểu rõ nhiệm kỳ tới của ông như thế nào. Và như nhận định của giới quan sát, ông không có “tuần trăng mật” mà phải bắt tay ngay vào công việc. Ở nhiệm kỳ đầu, Obama có thể đổ lỗi cho “di sản” rối bời của người tiền nhiệm để lại, nhưng sau 4 năm, đến nhiệm kỳ này, ông sẽ không thể vin vào cớ “di sản” nào nữa.
Cử tri muốn Mỹ “thay đổi thật sự”. Ông Obama hiểu và đối thủ bị ông đánh bại là Mitt Romney cũng hiểu sâu sắc điều này. Nhưng để “thay đổi thật sự” và để bức tranh kinh tế Mỹ tươi tắn hơn sẽ không dễ dàng. Đó là chưa kể việc phải vạch ra một chương trình đối ngoại linh hoạt của Nhà Trắng trên trường quốc tế, nhất là với các vấn đề nan giải hiện nay: an ninh lương thực, chống khủng bố, biến đổi khí hậu, chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên và Iran, nguy cơ chiến tranh của Israel chống Iran khi Thủ tướng Benjamin Netanyahu cứ đe dọa dùng vũ lực vào mùa Xuân năm tới, cuộc khủng hoảng Syria, quan hệ với Trung Quốc…
Cộng đồng thế giới cũng đặt nhiều kỳ vọng vào chiến thắng của ông Obama lần này bởi niềm tin vào cách xử trí của ông để hướng đến một thế giới hòa bình, thịnh vượng.
VĨNH AN