.

Quan hệ giữa đôi bờ sông Rhine gợn sóng

Pháp và Đức là hai trụ cột của một châu Âu đương đại, đồng thời cũng là hai nhân tố quyết định sự tồn tại của đồng euro trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế trầm trọng đang tác động tới các quốc gia trong khối. Đặc biệt, ngày 12-11, Quốc hội Hy Lạp đã buộc phải thông qua luật ngân sách cho năm 2013 với chính sách khắc khổ hơn và sẽ cắt giảm thêm 9,4 tỷ euro chi tiêu. Dân chúng Hy Lạp đã phản đối kịch liệt các biện pháp khắc khổ mới và xuống đường biểu tình rầm rộ trước Quốc hội.

Trong bối cảnh như vậy, xuất hiện dấu hiệu “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” giữa Pháp và Đức sau khi nhiều lãnh đạo bên kia bờ sông Rhine chính thức bày tỏ lo ngại về tình hình kinh tế của Pháp. Báo Bild Zeitung của Đức số ra cuối tháng 10 vừa qua đã không ngần ngại đặt câu hỏi: Phải chăng “Pháp sẽ là một Hy Lạp trong tương lai?”. Đồng thời, báo cáo do 5 chuyên gia kinh tế nổi tiếng của Đức, và cũng là cố vấn của Chính phủ thực hiện đã kết luận: “Pháp hiện là vấn đề lớn nhất của khu vực đồng euro”. Báo cáo của các chuyên gia Đức cũng không ngần ngại đưa ra những lời khuyên để giúp Paris “quay về với thực tế” (?!).

Theo các nhà quan sát, nước Đức của Thủ tướng Angela Merkel không còn che giấu những hoài nghi về chính sách kinh tế của Tổng thống Francois Hollande. Cụ thể hơn, Berlin cho rằng, Paris không quyết tâm cắt giảm chi tiêu công để giải quyết nợ công và thu hẹp bội chi ngân sách. Đối với nước Đức thì đấy là con đường duy nhất để kinh tế Pháp vươn lên. Do vậy, Berlin đòi Paris nhanh chóng cải tổ tránh để vạ lây cho toàn khối euro, tránh để châu Âu lún sâu thêm vào khủng hoảng.

Nhật báo Libération và Les Echos ra ngày 12-11 cùng cho rằng, khủng hoảng trong quan hệ giữa Paris và Berlin có dấu hiệu nghiêm trọng kể từ khi Đức “lên giọng dạy đời” nước Pháp về chính sách kinh tế. Tờ báo cũng cho biết, Paris rất bực mình khi bị Berlin lên giọng dạy đời. Điện Elysée cho rằng, “có nhiều khác biệt giữa kinh tế của Pháp và Đức, nên liều thuốc từng có hiệu quả đối với kinh tế của Đức không phù hợp với mô hình của Pháp”. Nhật báo Libération bày tỏ: “Paris cố giảm nhẹ tầm mức quan trọng của khủng hoảng trong quan hệ với Berlin, nhưng không phủ nhận là đang có lục đục nội bộ”.

Ở một khía cạnh khác, theo một số tờ báo của Đức, Berlin đang khuấy động quan hệ Pháp - Đức với dụng ý chính trị vào thời điểm mà nước Đức của bà Merkel chuẩn bị bầu lại Quốc hội và đảng cánh hữu bảo thủ của bà tấn công vào đảng cánh tả cầm quyền tại Pháp để tranh thủ cử tri.

Dù thế nào đi chăng nữa thì dư luận Pháp không mấy lạc quan về quan hệ Pháp - Đức. Paris - Berlin trong quá khứ luôn là trụ cột của đại gia đình châu Âu. Mỗi khi thay đổi ban lãnh đạo ở hai bên bờ sông Rhine, ê-kíp mới lên cầm quyền luôn cần có thời gian, thường mất một năm, để tìm hiểu lẫn nhau. Nhưng trước mắt chưa có dấu hiệu nào cho thấy Paris dưới sự điều hành của ông Hollande và Berlin trong bàn tay sắt của bà Merkel sớm có thể trở nên thân thiện.

Các nhà quan sát chính trị Pháp cảnh báo Tổng thống Hollande nên nhanh chóng giải tỏa hoài nghi của Berlin, bởi kinh tế Pháp không mấy sáng sủa. Theo dự báo của Ngân hàng Trung ương Pháp, quý 4 năm nay, GDP của Pháp có thể giảm 0,1%, sau khi giảm ở mức tương tự trong quý 3. Đến nay, theo các dự báo của Cơ quan Thống kê và Nghiên cứu kinh tế quốc gia Pháp (INSEE), tăng trưởng của Pháp trong quý 3 và 4 năm nay ở mức 0%; trong năm 2012, tăng trưởng sẽ đạt mức 0,2%. Trong khi đó, Chính phủ hy vọng đạt tỷ lệ tăng trưởng 0,3%, cho phép giảm giảm thâm hụt ngân sách xuống còn 4,5% PIB vào cuối năm nay. Các dự báo nói trên cho thấy nền kinh tế Pháp không có đà tăng trưởng khi bước sang năm 2013.

Với tình hình đó, nền kinh tế Pháp chưa thật sự vững vàng và cũng không thể đơn phương giải quyết khủng hoảng. Do vậy, bằng mọi giá Pháp phải cùng Đức nhanh chóng hóa giải các bất đồng để tránh khủng hoảng chính trị song phương làm phương hại đến sự tồn tại của đồng euro hay đe dọa đến đà tăng trưởng của toàn khối.

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.