.

Tàu sân bay và cái lưỡi bò

Trong lịch sử đương đại, nhân loại tiếp tục chứng kiến nhiều sự kiện đầy rẫy những hoài nghi, lo ngại, thậm chí bi quan về một nền hòa bình ổn định. Chỉ tính hơn một thập niên qua, đã có biết bao dấu ấn làm thay đổi sự phát triển của một quốc gia, thậm chí cả một khu vực rộng lớn từ Đông sang Tây như: Cuộc tấn công khủng bố kinh hoàng nhằm vào nước Mỹ; hai cuộc chiến tranh thảm khốc ở Afghanistan, Iraq; các cuộc cách mạng màu ở các nước thuộc Liên Xô cũ đến cả khu vực Trung Đông và Bắc Phi làm đảo lộn nhiều quốc gia; rồi cuộc khủng hoảng tài chính-tiền tệ bắt đầu từ Mỹ và nay đang làm lung lay cả châu Âu già cỗi.

Những tưởng chừng đó sự kiện cũng đủ làm cho cả thế giới này trở nên quay cuồng và rối loạn, cả cộng đồng quốc tế đang chung tay giải quyết, thì một cường quốc vừa trỗi dậy ở châu Á - Trung Quốc-  đã tung ra kế hoạch chiến lược biển, mà khởi sự là chiếc  tàu sân bay và cái lưỡi bò.

Dư luận đều biết, ngay sau khi Liên Xô sụp đổ, Trung Quốc vội vã mua lại tàu sân bay cũ của Ukraine. Giải thích ban đầu của Bắc Kinh là quốc gia sẽ biến tàu sân bay thành một cơ sở giải trí hoặc khách sạn. Đến thời điểm hạ thủy sau thời gian dài tái thiết, Chính phủ Trung Quốc khẳng định sẽ khai thác con tàu với mục tiêu tập huấn đào tạo. Tuy nhiên, công tác thử nghiệm nhiều tháng qua cho thấy hàng không mẫu hạm có tên mới đặt là Liêu Ninh có khả năng đáp ứng nhu cầu nhiều hơn của Trung Quốc về mặt quân sự. Họ cho chạy ra vùng Biển Đông, tiến hành cho các máy bay tiêm kích cất và hạ cánh.

Cùng với tàu sân bay Liêu Ninh chính thức đi vào hoạt động, thì Trung Quốc tung ra  hàng chục tàu Hải giám có trọng tải lớn, tiến hành tuần tra, xâm nhập trái phép vào vùng biển chủ quyền của Nhật Bản và các nước ở khu vực Biển Đông.

Trong những ngày gần đây, Trung Quốc đẩy vấn đề tranh chấp chủ quyền với các nước láng giềng nhuốm thêm sắc thái mới. Bản đồ quốc gia với đường biên giới bao trùm hầu hết các vùng lãnh thổ tranh chấp như sa mạc cao nguyên Aksai Chin và bang Arunachal Pradesh, vốn được Ấn Độ coi là lãnh thổ chủ quyền, và đặc biệt là “cái lưỡi bò” bao trùm toàn bộ khu vực Biển Đông - xuất hiện trên trang hộ chiếu mới của công dân Trung Quốc.

Những nước láng giềng có tranh chấp liên quan những vùng lãnh thổ này đã thể hiện thái độ bất bình dưới các hình thức khác nhau. Cả Ấn Độ , Việt Nam đã lên tiếng phản đối và không đóng thị thực và hộ chiếu của công dân Trung Quốc có bản đồ nói trên. Chính phủ Mỹ cũng ra tuyên bố bác bỏ và không chấp nhận hộ chiếu kiểu đó.

Trong sự kiện họa đồ trên các trang hộ chiếu mới của Trung Quốc, giới quan sát đã ghi nhận một thực tế lạ là Đài Loan, các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam được ghi dấu như lãnh thổ Trung Quốc. Nhưng người ta lại  không thấy thể hiện các đảo Điếu Ngư mà Trung Quốc đang tranh chấp với Nhật Bản. Điều này liệu có ý nghĩa gì?

Rõ ràng, bản đồ mới của Trung Quốc trên các trang hộ chiếu không phải là một động thái nhất thời, mà hơn thế nó còn nằm trong chiến lược dài hạn về âm mưu bành trướng của Bắc Kinh mở rộng trên Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

Nhận định về những diễn biến nói trên, ông Surin Pitsuwan, Tổng thư ký sắp mãn nhiệm của ASEAN, nói rằng châu Á đang bước vào một giai đoạn “cam go nhất” trong những năm gần đây khi Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông cũng như có đụng độ với Việt Nam, Philippines và các nước khác trên vùng biển này.

Ông cũng cho rằng tình thế xấu đi tại vùng Biển Đông là hệ quả của “sự năng động bên trong Trung Quốc”, khi Bắc Kinh chú trọng vấn đề chủ quyền lãnh thổ vì sự thay đổi lãnh đạo gần đây, cũng như sự thịnh vượng gia tăng và tiến trình xây dựng nhà nước vẫn tiếp diễn.

Bởi vậy, từ hai sự kiện chiếc tàu sân bay và cái lưỡi bò, dư luận cộng đồng quốc tế càng nhìn nhận rõ ràng hơn về  âm mưu bành trướng, bá quyền của Trung Quốc. Cho nên người ta khó tin vào những lời nói cam kết hòa bình, ổn định của Trung Quốc mà nhận chân rõ hơn về hành động thực tế của họ đối với các nước có liên quan.

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.