.

Ba thách thức lớn

Năm 2012 sắp khép lại. Những tiền đề mà nó tạo ra để thế giới tiếp tục phải đối mặt thì chẳng có gì êm dịu mà vô cùng phức tạp và đa dạng, thậm chí có khả năng bùng phát thành những cuộc xung đột vũ trang vô cùng nguy hiểm với hậu quả khó lường. Từ những diễn biến của tình hình, có thể nhìn nhận rõ nét nhất 3 vấn đề nổi cộm sau đây:

Một là, cuộc khủng hoảng kinh tế bùng phát từ năm 2008 ở Mỹ và cái đuôi của nó kéo dài sang các lục địa khác, nhất là châu Âu già cỗi vẫn còn rất nặng nề. Jessica Mathews, Chủ tịch Quỹ Carnegie về Hòa bình quốc tế nhận định: “Không có vấn đề ngoại giao nào trong năm 2013 có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế, chính trị và an ninh của thế giới bằng việc liệu Mỹ và châu Âu có giải quyết được tình trạng khủng hoảng kinh tế hay không”.

Hiện nay, kinh tế Mỹ vẫn chưa phục hồi chắc chắn mà tiếp tục dao động khi món nợ công khổng lồ đang làm cho nền kinh tế hàng đầu thế giới phải liên tục đối phó. Đặc biệt, sự đối đầu giữa Chính phủ với Quốc hội do phe Cộng hòa kiểm soát làm Tổng thống Barack Obama vẫn chưa tìm được tiếng nói chung về dự luật ngân sách, một nút thắt cho toàn bộ nền kinh tế. Jessica Mathews lý giải: “Nếu các đảng phái chính trị ở Mỹ có thể thống nhất phương pháp tháo gỡ khó khăn của “vách đá tài chính”, thủ phạm bóp nghẹt nền kinh tế trong 18 tháng qua đối với khu vực đầu tư tư nhân, thì nền kinh tế mới có thể được phục hồi, tạo ra năng lượng và sức nặng cho Mỹ trong những vấn đề quốc tế”.

Trong khi đó, món nợ công đang làm nhiều nước châu Âu như Hy Lạp, Tây Ban Nha, Bồ Đồ Nha… khốn đốn. Riêng đối với Ý, do lâm vào cuộc khủng hoảng tài chính mà Chính phủ của Thủ tướng Monti lung lay, buộc phải ra đi vào đầu năm tới. Các nhà lãnh đạo châu Âu đưa ra nhiều quyết tâm chính trị để giải quyết cuộc khủng hoảng, nhưng do còn quá nhiều dị biệt, nên lối thoát hiểm tốt nhất vẫn còn ở phía trước.

Hai là, sự trở lại của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương với vấn đề Biển Đông và hành động của Trung Quốc với các quốc gia láng giềng. Việc gia tăng sức mạnh quân sự cùng các hành động gây hấn của Trung Quốc với các nước có liên quan đến các vùng biển tranh chấp như Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam, Philippines đã làm tình hình khu vực trở thành điểm nóng. Thậm chí, các nhà quan sát đang ngày càng lo sợ một cuộc chạy đua vũ trang, thậm chí là xung đột vũ trang trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương nếu Bắc Kinh có những bước đi mạo hiểm nhằm thôn tính toàn bộ Biển Đông. Trong khi đó, Mỹ đang triển khai kế hoạch lấy châu Á - Thái Bình Dương làm tâm điểm cho sự phát triển các lợi ích trong thế kỷ XXI. Do vậy, khi 2 siêu cường Mỹ - Trung cùng hướng đến một điểm thì tác động của nó đối với từng quốc gia nói riêng và cả khu vực nói chung không phải là nhỏ. Washington, Bắc Kinh có thể vì lợi ích của mình mà “đổi chác” như họ đã từng làm trong lịch sử và cũng có thể có những hành động để thúc đẩy cuộc xung đột vũ trang ở cả cấp thấp lẫn cấp quy mô.

Ba là, các biến cố ở khu vực Trung Đông. Hiện nay, khu vực này cùng có nhiều điểm nóng đang hiện hữu như: xung đột Palestine - Israel, nội chiến ở Syria, sự rối loạn chính trị ở Ai Cập và vấn đề hạt nhân ở Iran. Cả bốn vấn đề này mới xem ra có vẻ tách biệt, nhưng kỳ thực có tác nhân qua lại với nhau kéo dài suốt mấy chục năm qua làm cho vùng đất này chưa có hòa bình một cách ổn định. Tâm điểm là cuộc xung đột Palestine - Israel với sự ngạo mạn, ương ngạnh của Nhà nước Do Thái được sự ủng hộ của Mỹ, làm vấn đề hòa bình Trung Đông trở thành chiếc bánh khó gặm. Còn Ai Cập và Syria là kết quả “cuộc cách mạng màu”, đã biến “Mùa xuân Ai Cập” thành thảm họa cho người dân vô tội ở 2 quốc gia này. Riêng vấn đề hạt nhân của Iran như một ngòi nổ cho “cuộc chiến tranh” quy mô tầm khu vực một khi Israel, được sự ủng hộ của Mỹ, bất ngờ tấn công vào các cơ sở hạt nhân của nước này.

Ba vấn đề nêu trên có thể được xem là bức tranh toàn cảnh của tình hình thế giới trong năm 2013 mà các nhà lãnh của thế giới phải đối mặt để giải quyết.

TUYẾT MINH
 

;
.
.
.
.
.