Hội nghị của Liên hiệp Viễn thông quốc tế (ITU) ở Dubai diễn ra từ ngày 3 đến 14-12 nhằm trao đổi và điều chỉnh lại các quy định viễn thông quốc tế có hiệu lực từ năm 1988 trước các tiến bộ kỹ thuật mới. ITU là tổ chức trực thuộc LHQ, bao gồm 193 thành viên cộng đồng thế giới. Điều sửa đổi cuối cùng trong các tiêu chuẩn quốc tế về liên lạc viễn thông đã được ITU thông qua vào năm 1988. Khi đó, trên thế giới chỉ có 4,5 triệu người thuê bao điện thoại di động. Ngày nay, số người thuê bao là 6 tỷ. Số người sử dụng Internet ước tính khoảng 2,5 tỷ người.
Tuy nhiên, hội nghị vẫn không đạt được thỏa thuận về việc mở rộng phạm vi thẩm quyền của ITU sang toàn bộ World Wide Web. Trong lịch sử 147 năm của Tổ chức Viễn thông thế giới, ITU chưa bao giờ chứng kiến những tranh luận và xung đột gay gắt như tại cuộc họp lần này ở Dubai. Các đại biểu chỉ có thể thông qua một văn kiện không có nội dung cụ thể mà chỉ nói về việc ITU phải tiếp cận “tích cực hơn” vào không gian Internet.
Theo các nguồn tin, tại Hội nghị chỉ có 89/193 thành viên của ITU ký vào hiệp ước mới về quy tắc viễn thông. Mỹ đã bác bỏ một tài liệu mà Washington cho là có nguy cơ mở ra cánh cửa cho việc kiểm soát Internet. Sau đó, Pháp và nhiều nước khác đã theo chân Mỹ. Tài liệu này gồm một nghị quyết không ràng buộc trong đó có ghi “tất cả các chính phủ phải có trách nhiệm như nhau trong quản lý quốc tế về Internet”. Vì vậy, Mỹ, Anh, Úc và một số nước khác đã từ chối ký kết các thỏa thuận này.
Trong khi đó, Nga và Trung Quốc đã đề nghị chuyển một số chức năng kiểm soát việc phân phối các địa chỉ web cho các nước thành viên ITU hoặc thành lập một tổ chức mới dưới sự bảo trợ của LHQ. Hiện trên thực tế, các công ty của Mỹ độc quyền trong lĩnh vực này. Ở đây nói trước hết về Tổng Công ty Internet cho tên miền (ICANN). Tập đoàn này được gọi là độc lập, nhưng thuộc sự kiểm soát của Bộ Thương mại Mỹ. Nga cho rằng, Mỹ không muốn chia sẻ độc quyền Internet của họ. Tất cả các nguồn tài nguyên lớn, máy chủ, các giao thức của World Wide Web đều bố trí tại Mỹ. Chuyên viên Nga về các phương tiện truyền thông Anton Korobkov-Zemlyansky nói: “Đã từ lâu ITU chủ trương thảo ra các quy tắc cụ thể để tất cả các nước hoạt động trong một lĩnh vực pháp lý do chính họ thành lập. Mọi thứ phải rõ ràng và minh bạch. Nhưng Mỹ trong nhiều năm dài không ủng hộ sáng kiến này, không muốn đạt thỏa thuận và nói rằng sẽ tự mình xác định mọi thứ”.
Các nước BRICS, CIS, Bahrain, Saudi Arabia, UAE cùng nhiều nước khác đã ủng hộ sáng kiến của Nga và Trung Quốc. Rất nhiều quốc gia không tán thành việc Mỹ có “đa số áp đảo” trên phương tiện truyền thông mạnh mẽ như Internet.
Tổng Thư ký ITU Hamadoun Touré khẳng định hội nghị “không hề có tác động đến Internet”. Ngược lại, James Lewis - chuyên gia về quản lý Internet thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược quốc tế ở Washington cho rằng, hội nghị trên “hoàn toàn về vấn đề Internet”. Theo ông Lewis, ITU đã bị mất uy tín vì “cho rằng một quyết định phải được đồng thuận và yêu cầu đưa ra biểu quyết”. Điều này làm nổi rõ sự bất đồng giữa Mỹ và các đồng minh - vốn muốn bảo đảm Internet tự do, trong khi Nga và Trung Quốc muốn kiểm soát việc sử dụng Internet và các nội dung đưa lên mạng.
Milton Mueller, một chuyên gia về quản lý Internet của ĐH Syracuse đặt câu hỏi về tác động thực tế của văn bản được giữ lại trong hiệp ước về tự do Internet. Ông nhấn mạnh: “Tôi không thích hiệp ước này, cũng như đa số người đấu tranh cho tự do Internet, nhưng tôi không nghĩ là nó có thể gây ra nhiều tai hại”. Ông Mueller cũng đề cập đến các nỗ lực ngoại giao đã trở nên phức tạp vì lo ngại của một số nước phản đối các trừng phạt của Mỹ dẫn đến việc cắt đi một số dịch vụ Internet như trường hợp Google. Các công ty Mỹ cũng không có quyền làm ăn với Iran hay CHDCND Triều Tiên - các nước bị Mỹ áp dụng các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc. Chuyên gia Mueller nhận định: “Thật kỳ lạ và mỉa mai khi các quốc gia bảo vệ nhân quyền lại sử dụng việc chặn các dịch vụ Internet như một dạng đòn bẩy chính trị” .
Theo các nhà phân tích, thất bại của Hội nghị ITU tại Dubai thì “vấn đề ở đây không phải là kiểm duyệt. Vấn đề chính là công cụ kiểm soát. Mỹ muốn giữ lại các công cụ đó trong tay mình. Còn vấn đề kiểm duyệt chỉ là cái cớ”. Cho nên, nói các nước can thiệp, kiểm soát vào Internet cũng là hành động biện minh của Mỹ và các đồng minh, nhằm tiếp tục nắm trong tay toàn bộ các hoạt động của lĩnh vực này để có lợi cho mình cả về chính trị lẫn kinh tế mà thôi!
LÊ MINH HÙNG