Càng ngày dư luận càng thấy rõ nét về cuộc chiến ở Mali chống lại lực lượng Hồi giáo cực đoan Ansar Dine do Lyad Ag Ghaly đứng đầu tương tự cuộc chiến tranh mà Mỹ tiến hành ở Afghanistan chống Taliban hơn 10 năm trước. Nhưng điểm khác biệt mà quân đội Pháp tiến hành ở Mali thì rất nhiều. Sau gần một tháng nổ ra cuộc tấn công của quân đội Pháp vào Mali, chính quyền Paris đối mặt với 3 thách thức:
Một là, Pháp đưa quân vào Mali trong bối cảnh châu Âu chìm trong khủng hoảng kinh tế trầm trọng. Nước Pháp cũng không ngoại lệ, thậm chí chính trường có sự chia rẽ sâu sắc. Ngân sách thu hẹp, chính quyền và người dân trong nước phải chi tiêu dè xẻn. Chi tiêu quốc phòng Pháp chỉ chiếm 1,8% GDP của nước này. Vậy mà, theo một nghị sĩ Pháp, con số thực tế có lẽ chỉ 1,5%. Song, điều quan trọng nhất là sự ủng hộ quốc tế đối với Pháp rất yếu ớt về nhiều phương diện. Ngay Mỹ - đồng minh khá vững chắc - cũng bày tỏ quan điểm ủng hộ Pháp nửa vời. Gần đây, Mỹ đồng ý chi viện không quân nhưng không hùng hậu để Pháp có thể chống lại lực lượng Hồi giáo cực đoan được trang bị vũ khí khá hiện đại và tổ chức chiến đấu rất bài bản. Bài xã luận tựa đề “Tại sao Mỹ không có mặt ở Mali?” đăng trên tuần san L’Express (Pháp) phân tích các nguyên nhân: Sau vụ tấn công khủng bố vào Lãnh sự quán Mỹ tại Benghazi của Libya hồi tháng 9-2012 làm đại sứ Mỹ thiệt mạng, chính quyền của Tổng thống Barack Obama không muốn lún chân thêm một lần nữa để gây thù chuốc oán ở châu Phi. Bên cạnh đó, chính quyền Obama ngại lún chân thêm một lần nữa sau bao lần tham chiến không thu được kết quả như mong muốn (chẳng hạn, cuộc viễn chinh gay go ở Somalia, hay sự sa lầy ở Iraq, hoặc cuộc chiến gây mất lòng dân ở Afghanistan, hoặc các rắc rối xảy đến sau Mùa xuân Arab). Hơn nữa, các lực lượng khủng bố ở Mali nhắm đến Pháp nhiều hơn đến Mỹ.
Mặt khác, bất đồng quan điểm về Mali giữa Mỹ và Pháp khá sâu sắc. Vì vậy, Mỹ để Pháp lần này phải đơn thương độc mã. Năm ngoái, Pháp đã đệ trình LHQ dự thảo nghị quyết cho phép điều lực lượng châu Phi đến Mali. Khi ấy, Mỹ phản đối dự thảo này và cho rằng, Pháp lẫn lộn giữa tiến trình chính trị hòa hợp dân tộc tại Mali với việc tiến hành chiến dịch quân sự chống quân khủng bố ở miền Bắc của nước này. Quan điểm của Mỹ là muốn phân biệt rạch ròi 2 nhiệm vụ này và ưu tiên cho chính sách xoa dịu chính trị, đào tạo các lực lượng quân đội của chính phủ Mali, tức là Washington chọn giải pháp bầu cử thay vì can thiệp.
Hai là, thực lực quân Pháp không hùng mạnh như trước kia. Báo chí Pháp dẫn chứng sự cũ kỹ của các máy bay không người lái của quốc gia này. Trên chiến trường Mali, Pháp đã cho triển khai 2 chiếc Harfang - loại máy bay được Israel thiết kế vào những năm 1990, được Pháp đưa vào sử dụng năm 2008. Pháp chỉ có tổng cộng 4 chiếc loại này. Máy bay Harfang hiện có thể theo dõi hoạt động của quân nổi dậy, nhất là trong điều kiện mưa gió, các vệ tinh không thể cung cấp thông tin hiệu quả. Thế nhưng, Harfang đã cũ kỹ, tính năng hoạt động giảm nhiều, đến mức một cựu tham mưu trưởng quân đội Pháp thốt lên rằng, hệ thống thông tin của những chiếc máy bay không người lái này có công suất “chỉ tương đương với một chiếc iPhone”.
Ba là, quân Hồi giáo cực đoan ở Mali tác chiến rất bài bản. Việc điều binh trên bộ, sử dụng xe tăng, tấn công vào các ngôi làng… diễn ra khéo léo và hiệu quả. Thậm chí, lực lượng này còn biết sử dụng nội gián khi tấn công. Quân khủng bố Mali sở hữu nhiều loại vũ khí, ngoài xe tăng, còn có nhiều loại vũ khí hạng nặng, các loại tên lửa hiện đại. Một thông tin khác cũng đáng chú ý mà tờ Le Nouvel Observateur (Pháp) tiết lộ: Libya là nơi quân khủng bố Mali tậu khí tài và chuẩn bị các cuộc tấn công. Cuộc tấn công bắt con tin tại cơ sở khí đốt Amenas ở Algeria vừa qua được chuẩn bị từ lãnh thổ Libya.
Có thể trên phương diện và thời điểm nào đó Pháp sẽ giành “chiến thắng” trước lực lượng Hồi giáo cực đoan ở Mali, nhưng về lâu dài sẽ sa lầy như Mỹ đang nếm trải ở Afghanistan nếu không kịp thời rút quân sớm. Mali nói riêng và khu vực này nói chung đang bị nhánh Al-Qaeda Bắc Phi kiểm soát rất nhiều. Lực lượng này chiếm cứ nhiều vùng đất và có sự liên kết chặt chẽ cả Libya, Syria, Algeria…, tạo nên mạng lưới chặt chẽ không dễ dàng gì phá vỡ trong ngày một ngày hai.
LÊ MINH HÙNG