Đảng Likud của Thủ tướng Benjamin Netanyahu được cho là sẽ chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội Israel ngày 22-1.
Thủ tướng Netanyahu khẳng định vẫn để ngỏ đàm phán với Palestine. Ảnh: AP |
Nếu giành thắng lợi trong cuộc bỏ phiếu, Thủ tướng Netanyahu sẽ có thêm nhiệm kỳ 3 để tiếp tục các “dự án” còn dang dở của ông, trong đó có việc tiến đến hòa bình với Palestine và đối đầu với Iran.
Ủy ban bầu cử Israel cho biết, 10.132 điểm bỏ phiếu trên toàn quốc mở cửa để đón 5,66 triệu cử tri. An ninh được siết chặt trên khắp đất nước với sự hiện diện của hơn 20.000 cảnh sát và tình nguyện viên.
Các thăm dò trước bầu cử đều cho thấy, liên minh tranh cử đảng cực hữu Likud của Thủ tướng Netanyahu và đảng Yisrael Beitenu theo đường lối dân tộc chủ nghĩa nhiều khả năng giành thắng lợi với từ 61-67 ghế trong Quốc hội gồm 120 ghế, trong khi các đảng khác giành được từ 53-57 ghế. Kết quả sẽ được công bố vào sáng 23-1.
Tham gia bỏ phiếu tại Jerusalem, ông Netanyahu đi cùng vợ, bà Sara, và 2 con trai. Sau khi bỏ phiếu, vị Thủ tướng 63 tuổi nói với báo giới rằng, các phiếu bầu dành cho đảng của ông là “điều tốt đẹp cho Israel”.
AP cho biết, Thủ tướng Netanyahu cam kết theo đuổi việc tái định cư Do Thái ở Gaza và Bờ Tây. Chính sách này sẽ khiến ông mâu thuẫn với các đối tác quốc tế, đồng thời làm xấu đi quan hệ với Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Song, một số nhà phân tích chính trị dự đoán ông Netanyahu có thể xây dựng hình ảnh đất nước Israel ôn hòa hơn trên trường quốc tế và chia sẻ quyền lực với các đảng trung dung như Yesh Atid - một nhóm mới được thành lập do Yair Lapid, người từng là MC truyền hình của Israel lãnh đạo.
Trong khi đó, Công đảng - đảng đối lập chính ở Israel - được cho là sẽ có 17 ghế. Đảng này cam kết thúc đẩy đàm phán hòa bình với Palestine. Các cuộc đối thoại liên quan đến tiến trình hòa bình giữa Israel và Palestine bắt đầu vào năm 2010, kéo dài một tháng thì bị đổ vỡ do bất đồng xung quanh việc xây dựng các khu tái định cư. Từ đó, mọi nỗ lực để nối lại đàm phán đều không thành. Thủ tướng Netanyahu đổ lỗi cho người Palestine là nguyên nhân của thất bại này và khẳng định ông vẫn mở cửa để đối thoại. Song, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas tuyên bố sẽ không trở lại bàn nghị sự trừ khi Israel ngừng chương trình xây dựng các khu tái định cư. Theo các nhà phân tích, Tel Aviv khó chấp nhận điều kiện của Palestine. Chỉ trong tháng 12-2012, ông Netanyahu đã phê chuẩn xây dựng khoảng 11.000 ngôi nhà tái định cư.
Cũng theo các nhà quan sát, dù đảng nào lên nắm quyền, Israel cũng phải đối mặt với các thách thức: chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran và sự thay đổi của khu vực do làn sóng nổi dậy ở thế giới Arab.
Nếu chiến thắng thuộc về Likud, Thủ tướng Netanyahu sẽ thúc đẩy việc đưa Iran vào bàn đàm phán. Ông tuyên bố không để Tehran làm giàu uranium đủ để chế tạo bom hạt nhân bởi đây là mối đe dọa đối với Israel và mối đe dọa này có thể hiện hữu vào giữa năm 2013. Ngược lại, Iran bác bỏ kế hoạch tạo bom hạt nhân và cáo buộc Israel - sở hữu kho vũ khí hạt nhân duy nhất ở Trung Đông - là mối đe dọa lớn nhất ở khu vực.
THIÊN BÌNH