.

“Bóng ma” vẫn hiện hữu

Hơn 10 năm trôi qua, cuộc chiến chống khủng bố do Mỹ đứng đầu với 2 cuộc chiến tranh lớn tại Iraq và Afghanistan, cùng hàng trăm chiến dịch trên quy mô toàn cầu nhằm quét sạch “bóng ma” Al-Qaeda đến nay vẫn chưa chấm dứt. Như vòi bạch tuột, Al-Qaeda đang tiếp tục làm mưa làm gió tại châu Phi, nhất là khu vực Bắc và Tây Phi.

Vụ bắt con tin tại cơ sở khí đốt Amenas của Algeria gồm các công dân Libya, Hà Lan, Tunisia, Syria, Ai Cập, Mali, Yemen và Canada... do nhóm Hồi giáo cực đoan có liên hệ với Al-Qaeda thực hiện cho thấy sự nguy hiểm của “bóng ma” này ở khu vực châu Phi. Chúng đã sát hại mấy chục con tin, trong đó có hàng chục con tin nước ngoài, gây kinh hoàng cho cộng đồng quốc tế.

Nhưng theo nhóm khủng bố thực hiện vụ tấn công, do sự can thiệp quân sự của Pháp bên cạnh quân đội Mali để chống lại nhóm Hồi giáo cực đoan vũ trang, khiến không chỉ nước Pháp mà còn tất cả các nơi trên thế giới, đặc biệt là châu Phi, trở thành mục tiêu tấn công mà Amenas là điểm khởi đầu.

Các nhà quan sát nhận định: Algeria không phải là nạn nhân duy nhất tại châu Phi trong tầm ngắm của các tổ chức khủng bố. Aqmi - cánh tay nối dài của Al-Qaeda trong khu vực - đã mở địa bàn hoạt động tại Mauritania cạnh Algeria và Mali.

Chiến tranh Mali do Pháp thực hiện bỗng được “quốc tế hóa”. Vụ hàng trăm con tin bị bắt giữ ở Algeria cảnh báo cộng đồng quốc tế rằng, khủng bố là vấn đề không biên giới. Các tổ chức thân cận với Al-Qaeda đã bám rễ vào khu vực vùng Sahel. Một điểm khác nữa là biên giới rất dài giữa miền Nam Algeria với miền Bắc Mali không an toàn khiến Algeria trở thành nạn nhân đầu tiên của cuộc xung đột Mali.

Một điểm khác cũng đáng chú ý khi chính quyền Algeria cho rằng, tất cả phần tử khủng bố kể trên đã từ biên giới Libya thâm nhập vào lãnh thổ Algeria. Mạng lưới khủng bố Hồi giáo cực đoan bùng nổ và đang làm rúng động cả vùng Sahel bao la chính do sự sụp đổ của chế độ Gaddafi tại Libya. Gaddafi bị diệt vong, khiến hàng trăm lính đánh thuê đến phục vụ chế độ phải bỏ chạy, mang theo những kho đạn dược to lớn.

Mặt khác, lực lượng Hồi giáo cực đoan không đợi đến lúc Gaddafi bị tiêu diệt mới trỗi dậy, lực lượng này đã có mặt tại Sahel từ lâu. Dù cuộc nội chiến tại Algeria (1990-1999) đã trôi qua, nhưng để lại vết sẹo khó lành: tộc người Touareg bị ruồng bỏ và rơi vào tình cảnh khốn khổ, sự bất lực của các Chính phủ trong khu vực trong việc kiểm soát đường biên giới, bị các thế lực thực dân phân chia một cách khó hiểu. Kết quả là hiện tượng chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan - băng đảng, mà hoạt động chính là buôn lậu, buôn thuốc phiện, cướp bóc, bắt con tin, hãm hiếp và tấn công khủng bố đang hòa lẫn với yêu sách của phe Hồi giáo cực đoan nhằm biến một số quốc gia trong khu vực thành những tiểu quốc gia Arab Hồi giáo cực đoan.

Trong khi đó, tác nhân trực tiếp không kém phần quan trọng là sau phong trào Mùa xuân Arab, tình hình ở khu vực đã xấu đi đáng kể từ 2 năm nay. Ngoài ra, từ năm 2006, Mỹ trở thành quốc gia dẫn đầu trong cuộc chiến chống các lực lượng vũ trang Hồi giáo cực đoan ở châu Phi, thiết lập các trung tâm huấn luyện quân sự tại hầu hết các nước có biên giới với sa mạc Sahara.

Theo các nhà phân tích quốc tế, một trong những hệ quả đáng lo ngại nhất từ các diễn biến tại Mali thời gian qua là hầu hết số binh sĩ được Mỹ huấn luyện đã ẩn nấp trong doanh trại hoặc đã đào ngũ và tham gia các lực lượng Hồi giáo cực đoan. Xung đột tại Mali không còn là chuyện giữa Pháp với Mali - một trong những cựu thuộc địa của Paris tại Tây Phi. Nó cho thấy sự bất ổn đang lan rộng trên toàn khu vực Sahel, liên quan đến nhiều nước như: Algeria, Niger, Burkina Faso, Cộng hòa Tchad, Guinea, Senegal và Mauritania.

Đồng thời, một số nhà quan sát chính trị còn quy trách nhiệm chính Mỹ và phương Tây đã làm “bóng ma” Al-Qaeda sinh sôi nảy nở khi họ khuyến khích, thúc đẩy Mùa xuân Arab, gây ra cuộc chiến ở Libya trước đây và Syria hiện nay.

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.