(ĐNĐT) - Hoạt động can thiệp quân sự nhanh chóng của Pháp nhằm chống lại các phần tử Jihad của phong trào ly khai ở miền bắc Mali có thể là một bước ngoặt trong mối quan hệ giữa Pháp và châu Phi.
Quân đội Togo chuẩn bị lên đường tới Mali. |
Liên minh châu Phi (AU) đã ca ngợi cuộc tấn công quân sự của quốc gia châu Âu này ở Mali. Sự can thiệp của Pháp tấn công mạnh mẽ vào các lực lượng Hồi giáo đã áp đặt chế độ khủng bố ở miền bắc Mali trong nhiều tháng qua. Pháp đang làm chính xác những gì chính phủ các nước châu Phi mong muốn.
Điều này là bởi Phong trào vì Thống nhất và Jihad ở Tây Phi (MUJAO), nhóm Hồi giáo cực đoan Ansar Dine và al-Qaeda ở xứ Maghreb Hồi giáo (AQIM) là một mối đe dọa lớn đối với các nhà nước châu Phi hơn là đối với Pháp hay châu Âu.
Hơn nữa, vấn đề cơ bản chính dẫn đến tình trạng này là cuộc nổi dậy ly khai của phiến quân Tuareg Mali, dưới ngọn cờ của Phong trào dân tộc giải phóng Azawad (MNLA), lực lượng chiếm giữ nửa phía Bắc của Mali và tuyên bố độc lập ngay sau một cuộc đảo chính quân sự vào ngày 22-3-2012, chịu sự phản đối gay gắt của Liên minh châu Phi và Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS).
ECOWAS, bị chi phối bởi Nigeria, vào tháng 8-2012 đã đề xuất một "khái niệm chiến lược" tới Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, nêu rõ các kế hoạch cho phép một lực lượng can thiệp đánh bại những phần tử Hồi giáo và thống nhất đất nước Mali.
ECOWAS cho rằng, mục tiêu của phiến quân Hồi giáo ở miền bắc Mali là "tạo ra một nơi trú ẩn an toàn" để từ đó phối hợp các "mạng lưới khủng bố lục địa, bao gồm cả AQIM, MUJAO, nhóm dân quân Hồi giáo Boko Haram ở Nigeria và phong trào Hồi giáo vũ trang Al-Shabaab ở Somalia".
Nếu phiến quân Hồi giáo chiếm được thị trấn chiến lược Sevaré, họ sẽ chiếm được sân bay duy nhất ở Mali (ngoài sân bay ở Bamako) có khả năng tiếp nhận các máy bay hạng nặng, và họ sẽ sẵn sàng dùng nó để tấn công phía nam đông dân cư hơn của đất nước này.
Người châu Phi có thể sẽ cảm thấy bối rối rằng điểm yếu của Châu Phi đã, một lần nữa, được phơi bày bởi sức mạnh của một thế lực bên ngoài.
Có lẽ một điều an ủi cho Châu Phi là thực tế tình hình hiện nay ở Mali một phần được tạo ra bởi các hành động của NATO do Pháp dẫn đầu tại Libya trong năm 2010. Một số lượng lớn quân ly khai Hồi giáo vũ trang và Tuareg chiến đấu trong lực lượng của cựu lãnh đạo Libya Moammar Gadhafi, đã chạy sang tham gia MNLA ở miền bắc Mali sau khi Gadhafi bị tiêu diệt. Chúng kết hợp với hai nhóm Jihad khủng bố hoạt động ở miền bắc Mali là Ansar Dine và MUJAO.
Một số nước châu Phi, trong đó có Nigeria, đã bắt đầu triển khai quân đội ở Mali cùng với Pháp, và ECOWAS đã tuyên bố mục tiêu là giải phóng hoàn toàn miền Bắc Mali từ phiến quân Hồi giáo.
Vĩnh Thụy