Chiến tranh không gian mạng ngày càng tăng tốc và dường như không có giới hạn, trong đó nổi lên là “gián điệp mạng” của một số nước nhằm đánh cắp bí mật quân sự, kinh tế... của các quốc gia có liên quan. Đặc biệt nổi lên là “gián điệp mạng” của Trung Quốc đang mở rộng phạm vi hoạt động ra khắp nơi trên thế giới, nhất là các đối thủ như Mỹ, Nhật, Anh, Úc, Ấn Độ, Pháp...
Trung Quốc đã tổ chức những lữ đoàn “Tin tặc Đỏ” chuyên thâm nhập cơ quan NASA, Lầu Năm Góc và Ngân hàng Thế giới (WB), tấn công Phòng Kỹ nghệ và An ninh của Bộ Thương mại Mỹ mạnh đến nỗi Bộ này phải hủy bỏ hàng trăm máy điện toán; xóa sạch ổ đĩa cứng chứa dự án hỗn hợp phi cơ chiến đấu F-35 của hãng Lockheed Martin và gần như dội bom rải thảm vào hệ thống kiểm soát không lưu của Không quân Mỹ. Lữ đoàn “Tin tặc Đỏ” đã xâm nhập vào những máy điện toán của những nghị sĩ cải cách trong Ủy ban Đối ngoại Hạ viện...
Ngày 26-12-2012, Hội đồng Quan hệ đối ngoại (CFR) - một trong những trung tâm tham vấn uy tín nhất nước Mỹ về chính sách ngoại giao - đã bị một nhóm tin tặc tấn công sau khi một số chương trình thu lượm thông tin được lén lút cài đặt trước đó 5 ngày. Đối tượng do thám của tin tặc là những ai truy cập vào trang web của CFR. Thủ phạm tấn công là một nhóm tin tặc xuất phát từ Trung Quốc. Theo các chuyên gia tin học, không loại trừ khả năng nhóm này được hậu thuẫn của Chính phủ Bắc Kinh.
Ngày 5-10-2012, giới chức công nghiệp Mỹ hoảng loạn vì các bí mật thương mại có giá trị bị đánh cắp. Nghi can số 1 là tin tặc Trung Quốc. Ông Jeremy Waterman, phụ trách ban Trung Quốc thuộc Phòng Thương mại Mỹ (USCC), cho biết trong một năm rưỡi qua, các vụ tấn công của tin tặc Trung Quốc đã gia tăng nghiêm trọng và gây thiệt hại lớn. Còn Phó chủ tịch Tập đoàn năng lượng Electron Peter Dent nói rằng, các công ty lớn và nhỏ của Mỹ đều đang đối mặt với “các cuộc tấn công mạng dai dẳng và ngày càng phức tạp, với mục đích đánh cắp các sản phẩm thuộc sở hữu trí tuệ của các công ty Mỹ, từ Trung Quốc”.
Phóng viên Bill Gertz của tờ Free Beacon cho biết: “Các tin tặc Trung Quốc đã đột nhập vào mạng máy tính nhạy cảm nhất của Chính phủ Mỹ. Họ đã đột nhập vào hệ thống của Văn phòng quân sự Nhà Trắng, nơi có thể đưa ra các lệnh sử dụng vũ khí hạt nhân”. Đây là hệ thống có chức năng tương tự như chiếc vali có tên “Trận bóng hạt nhân” - nơi chứa mã số khởi động các vũ khí hạt nhân của Tổng thống Mỹ.
Còn tờ Indian Express từng cho hay, các tin tặc đã xâm nhập hệ thống máy tính mật của Hải quân Ấn Độ tại thành phố Visakhapatnam - đại bản doanh của Bộ Tư lệnh Hải quân phương Đông và gắn những “con sâu máy tính” nhằm chuyển dữ liệu mật đến những địa chỉ IP ở Trung Quốc. Hải quân Ấn Độ đã hoàn tất cuộc điều tra và truy tố 6 quan chức vì “sơ suất về thủ tục”, qua đó dẫn đến sự xâm nhập của tin tặc.
Để đối phó với sự gia tăng nhanh chóng “gián điệp mạng” từ Trung Quốc, Mỹ đã thành lập Bộ Tư lệnh chiến tranh mạng do một viên tướng đứng đầu cùng hàng trăm chuyên gia giỏi. Không những thế, Bộ Quốc phòng nước này đã nghiêm cấm việc trang bị các máy tính có nguồn gốc sản xuất từ Trung Quốc vì bị nghi ngờ có gắn các thiết bị nghe lén...
Chiến tranh mạng vô cùng tinh vi và nguy hiểm vì không có giới hạn, diễn ra bất kỳ lúc nào, ở tất cả lĩnh vực, nhất là quân sự, kinh tế, ngoại giao... và Việt Nam không nằm ngoài phạm vi đó. Vì vậy, từ bài học thực tiễn, chúng ta cần nêu cao cảnh giác để đối phó hiệu quả “gián điệp mạng” nói riêng và cuộc chiến tranh về tư tưởng trên mạng Internet nói chung.
LÊ MINH HÙNG