.

Lợi ích của Pháp khi can thiệp quân sự vào Mali

.

(ĐNĐT) - Pháp đã can thiệp quân sự vào Mali trong một nỗ lực nhằm ngăn chặn bước tiến của phiến quân Hồi giáo theo yêu cầu của chính phủ Bamako, Mali và sự chấp thuận của Liên Hiệp Quốc. Tuy nhiên, các nhà phê bình cáo buộc Paris đang theo đuổi một chương trình "tân thực dân".

Hôm 15-1, Tổng thống Pháp Francois Hollande tuyên bố, quân đội Pháp sẽ hiện diện tại Mali cho tới khi an ninh được thiết lập trở lại tại đất nước này. Chưa biết là chiến dịch quân sự này sẽ kéo dài bao lâu, bởi việc ngăn không cho nhóm Hồi giáo cực đoan kiểm soát Mali đòi hỏi phải ổn định khu vực này trong thời gian dài. Hiệp hội nhân dân bị đe dọa (STP), một tổ chức phi chính phủ đặt trụ sở tại Göttingen, Đức đã kêu gọi Pháp trình bày một kế hoạch thực tế để đạt được mục tiêu tại Mali.

Chính phủ của Tổng thống Francois Hollande chính thức cho rằng, các lợi ích an ninh là lý do của quyết định can thiệp quân sự vào Mali của Pháp và Paris khẳng định muốn hành động sớm để ngăn chặn phiến quân ở Tây Phi trở thành một mối nguy hiểm đối với châu Âu.

Ông Hollande phải cân bằng các lời hứa trong nước với sự hỗ trợ của mình cho Mali. “Pháp lo ngại rằng Mali có thể trở thành một trung tâm sào huyệt và đào tạo của những kẻ khủng bố Hồi giáo nếu một nhà nước Hồi giáo được thành lập tại đây”, ông Katrin Sold, Hội đồng quan hệ đối ngoại Đức (DGAP) cho biết.

Pháp đã triển khai bộ binh tại Mali
Pháp đã triển khai bộ binh tại Mali

Hơn nữa từ năm 2010, nhóm Hồi giáo cực đoan đã bắt giữ bốn công nhân người Pháp làm việc cho công ty năng lượng Areva ở Mali. Và mạng lưới khủng bố Al-Qaeda đang đe dọa sẽ tiếp tục tiến hành các vụ bắt cóc, tấn công ở Pháp và chống lại khoảng 5.000 công dân Pháp đang sống ở Mali.

“Về lâu dài, Pháp có lợi ích trong việc đảm bảo các nguồn lực trong khu vực Sahel thuộc Tây Phi, đặc biệt là dầu và uranium, nơi mà công ty năng lượng Pháp Areva đã bòn rút trong nhiều thập kỷ ở nước láng giềng Nigeria”, ông Sold cho biết.

Nhưng các nguồn tài nguyên của Mali rồi cũng sẽ nhanh chóng cạn kiệt, vì vậy ông Sold tin rằng các lợi ích an ninh là quan trọng nhất trong cuộc can thiệp quân sự của Pháp hiện nay.

Đồng quan điểm trên, chuyên gia về châu Phi Delius chú giải rằng, khi can thiệp quân sự ở Libya, nhiều quốc gia đã có lợi ích tại đây, đặc biệt là dầu mỏ. Tuy nhiên với Mali thì khác, dường như Paris đang theo đuổi một loạt các mục tiêu cụ thể.

Việc gửi quân tới Mali cho thấy một bước đi mạo hiểm của Pháp. Có thể họ muốn bảo vệ lợi ích an ninh và chính trị của mình, nhưng có nguy cơ về một mô hình "tân thực dân". Tuy nhiên, Pháp đang bám vào sự ủy nhiệm từ Liên Hiệp Quốc được thông qua vào tháng 12-2012.

Trong suốt chiến dịch tranh cử năm 2012, Tổng thống Pháp Francois Hollande đã hứa rút quân khỏi Afghanistan. Giờ đây ông Hollande có thể sẽ mất uy tín vì việc cử lực lượng quân đội Pháp đến châu Phi trong bối cảnh ngân sách đang khó khăn, đặc biệt là đối với một cam kết kéo dài ở Mali.

Pháp không muốn hành động một mình ở Mali và đã kêu gọi một sự can thiệp đa phương, trong đó quân đội châu Phi là lực lượng tham gia đầu tiên sau Pháp. Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã thông qua việc can thiệp quân sự và Liên minh châu Âu đã hứa sẽ đào tạo binh sĩ Mali. Đó là hai điểm quan trọng cho Paris vì đây là tín hiệu cho sự chia sẻ trách nhiệm trong phạm vi châu Âu và hỗ trợ từ Brussels.

Những gì diễn ra tại Mali trong nhiều ngày qua làm dấy lên lo ngại kích động một làn sóng khủng bố mới và có thể hình thành một Afghanistan tại Châu Phi.

Vĩnh Thụy (DW, CNN)

;
.
.
.
.
.