.

Lợi ích kinh tế của Iran ở Syria

.

(ĐNĐT)- Từ trước đến nay, đã có khá nhiều phân tích về vai trò chiến lược và địa chính trị của Iran đối với chế độ Syria hiện nay, tuy nhiên người ta lại ít chú ý đến mối quan hệ kinh tế cốt yếu đang đổi thay giữa hai nước. Nếu phân tích quan hệ Iran - Syria thông qua lăng kính này, có thể thấy rõ các khía cạnh đa sắc thái, độc đáo và phức tạp hơn về vai trò của Iran ở Syria.

Iran có lịch sử đầu tư đáng kể về tiền của, nguồn lực, lực lượng tay nghề cao và lao động tại Syria. Những khoản đầu tư này được đẩy mạnh, nhất là trong một vài năm trước khi các cuộc nổi dậy bắt đầu bùng phát vào tháng 3-2011 trên khắp Syria.

Mặc dù phần lớn các khoản tiền và nguồn lực được phân bổ đầu tư vào giao thông vận tải và cơ sở hạ tầng của Syria nhưng quan hệ kinh tế giữa Iran và Syria không chỉ giới hạn trên những lĩnh vực này.

Một vài tháng trước khi các cuộc nổi dậy nổ ra, Iran đã ký kết một thỏa thuận trị giá 10 tỷ USD với Syria và Iraq để xây dựng một đường ống dẫn khí đốt xuất phát từ Iran, chạy qua Syria, Lebanon, Địa Trung Hải và vươn tới một số nước phương Tây. Theo thỏa thuận, Iraq và Syria sẽ nhận được một lượng mét khối khí đốt nhất định mỗi ngày. Đề xuất này được sự tán thành của lãnh đạo tinh thần tối cao Iran Ali Khamenei, người đã ủng hộ việc phân bổ 5,8 tỷ USD viện trợ cho Syria thông qua Trung tâm nghiên cứu chiến lược của Iran (CSR). Đây là trung tâm nghiên cứu về các chiến lược của quốc gia Hồi giáo Iran trên 6 lĩnh vực gồm: chính sách ngoại giao, Trung Đông và Vịnh Ba Tư, kinh tế chính trị quốc tế.

Một thỏa thuận quan trọng khác cũng đã được ký kết trước khi cuộc khủng hoảng chính trị nổ ra ở Syria là việc thành lập một ngân hàng liên doanh tại Damascus, trong đó chính phủ Iran sẽ sở hữu 60%. Thỏa thuận này sẽ cho phép Iran xác định các trung tâm tài chính khác để thực hiện các giao dịch của mình tại Syria.

Vào thời điểm đó, các ngân hàng Syria được phép tham gia vào các giao dịch thương mại với phương Tây, trước khi lệnh trừng phạt được áp đặt. Phó Tổng thống Iran Mohammad Reza Rahimi và Tổng thống Syria Bashar al-Assad cũng đã thảo luận một thỏa thuận toàn diện ngay trước khi các cuộc nổi dậy xảy ra, để tìm cách thiết lập một khối kinh tế khu vực. Kết quả là một thỏa thuận 17 điều khoản đã được ký kết tập trung vào các lĩnh vực: thương mại, quy hoạch, đầu tư và thống kê số liệu, các ngành công nghiệp, hàng không, hải quân và vận tải đường sắt, công nghệ thông tin truyền thông, y tế, nông nghiệp và du lịch.

Các biện pháp trừng phạt của quốc tế đối với Syria gần đây đã dẫn đến việc gián đoạn tất cả các thỏa thuận trước đây giữa Syria và Iran, điều này đã gây áp lực lớn đối với Iran.

Quan hệ kinh tế Iran và Syria là cực kỳ quan trọng đối với hai nước. Ảnh: Getty
Quan hệ kinh tế Iran và Syria là cực kỳ quan trọng đối với hai nước. Ảnh: Getty

Mặc dù các giới chức Iran đã nhiều lần khẳng định liên minh kinh tế của họ sẽ không bị lay chuyển bởi các vấn đề an ninh, tuy nhiên các công ty nhà nước và doanh nghiệp Syria đã gặp khó khăn, trở ngại trong việc kinh doanh và đạt được các thỏa thuận với Iran do các hạn chế giao dịch trên đồng đô la. Liên minh kinh tế Iran và Syria hoạt động dựa trên các hợp đồng đa cấp của các tổ chức nhà nước và bán tư nhân thông qua việc sử dụng đồng đô la cho các giao dịch trị giá hàng tỷ đô la. Tuy nhiên, các quy định được áp dụng bởi Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu và các quốc gia vùng Vịnh Ả Rập khác sau khi bạo lực nổ ra đã gây khó khăn trong việc thanh toán quốc tế thông qua Ngân hàng Trung ương Syria.

Áp lực kinh tế đối với hai nước đã đẩy Iran và Syria đi đến ký kết một thỏa thuận mang tính biểu tượng về thương mại tự do vào ngày 13-12-2011. Động thái này là nỗ lực nhằm giảm bớt tác động từ các biện pháp trừng phạt kinh tế của Hoa Kỳ, EU và một số thành viên của Liên đoàn Ả Rập. Theo thỏa thuận gần đây, thương mại sẽ được tiếp tục tự do hóa giữa các công ty nhà nước và cả hai nước đều tuyên bố sẽ giảm chi phí hải quan để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại mậu dịch. Đặc biệt, Syria đã quyết định giảm 60% lệ phí đối với hàng hoá Syria xuất khẩu sang Iran nhằm thúc đẩy thương mại song phương. Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Thương mại Mohammad Nidal al-Cha'ar nêu ra tại cuộc họp của Ủy ban liên chính phủ Syria - Iran rằng "con đường đến Iran luôn luôn được trải thảm cho cả hai nước."

Các thỏa thuận tài chính gần đây rất quan trọng cho cả hai nước, đặc biệt là Syria, nhằm mở ra thị trường mới cho các sản phẩm và tăng ngân sách nhà nước. Các thỏa thuận này được cho là sẽ tăng kim ngạch thương mại hàng năm giữa Iran và Syria lên con số 5 tỷ USD. Ông Allaedin Boroujerdi, Chủ tịch Ủy ban chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia thuộc Quốc hội Iran cho biết các thỏa thuận gần đây là "phản ứng cứng rắn" đối với Hoa Kỳ và các đồng minh phương Tây muốn "đầu tư hàng tỷ đô la để thay đổi chế độ chính trị ở Syria".

Điều chắc chắn là Iran có lợi ích to lớn về địa chính trị và chiến lược ở Syria, đồng thời quốc gia này cũng trở thành đối tác kinh tế rất quan trọng đối với Iran. Khi cả hai quốc gia ngày càng trở nên bị cô lập từ cộng đồng quốc tế, thì quan hệ kinh tế hai nước đã trở nên cực kỳ quan trọng. Tuy nhiên, hàng tỷ đô la đầu tư của Iran đang bị treo lơ lửng do cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay ở Syria. Và cho đến khi có một giải pháp cho cuộc xung đột đã diễn ra gần hai năm này, với một trong hai giả thuyết ông Assad lấy lại quyền kiểm soát hoặc Syria thành lập một chính phủ mới, thì tình trạng kinh tế vẫn sẽ tiếp tục bị đe dọa.

Vĩnh Thụy (Tạp chí ngoại giao Hoa Kỳ)

;
.
.
.
.
.