.

Hiệu ứng khủng hoảng

Việc Chính phủ Bulgaria của Thủ tướng Boyko Borisov từ chức là động thái bất ngờ nhưng không gây ngạc nhiên cho giới quan sát. Đây là một hiệu ứng của khủng hoảng kinh tế đang lan tràn ở châu Âu và là hiệu ứng của chính sách khắc khổ. Ông Borisov cùng nội các của quốc gia nghèo nhất châu lục già cỗi này góp tên mình trong danh sách các Chính phủ phải rời nhiệm sở do “thắt lưng buộc bụng” và động thái này đẩy Bulgaria vào khủng hoảng chính trị.

Ngày 21-2 (giờ địa phương), Quốc hội Bulgaria bỏ phiếu về việc từ chức của Chính phủ. Nếu cơ quan lập pháp này phê chuẩn cho ông Borisov ra đi, Tổng thống Rosen Plevneliev - đồng minh chính trị của Thủ tướng - sẽ bổ nhiệm Chính phủ lâm thời, điều hành đất nước cho đến ngày bầu cử mới và ngày tổng tuyển cử được xác định lại, thay vì chờ đến tháng 7.

Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến thất bại của Thủ tướng Borisov là các cuộc biểu tình khắp đất nước nhằm phản đối giá điện tăng cao 13% kể từ tháng 7 năm ngoái. Song, biểu tình chỉ là giọt nước tràn ly bởi thực chất Chính phủ cánh hữu mất sự tín nhiệm của dân chúng sau khi ngừng kế hoạch xây dựng cơ sở điện hạt nhân mới vào tháng 3-2012 tại Belene, gần biên giới Romania, bất chấp 60% cử tri trong một cuộc trưng cầu dân ý đã đồng ý với kế hoạch này. Thêm vào đó, nhiều người dân Bulgaria cũng không hài lòng với mức sống giảm và tình trạng tham nhũng. Thu nhập trung bình ở quốc gia châu Âu có hơn 7 triệu người này hiện khoảng 550 USD/tháng.

Thăm dò của cơ quan nghiên cứu Alpha cho thấy 85% người dân Bulgaria ủng hộ biểu tình càng minh chứng cho sự bất mãn với Chính phủ. Có thể việc từ chức của Thủ tướng Borisov là giải pháp duy nhất và khôn ngoan nhất để ông có cơ hội tái tranh cử, nhưng dẫu sao cũng phản ánh thất bại của một Chính phủ do hệ lụy khủng hoảng.

VĨNH AN

;
.
.
.
.
.