.

Người Ý hy vọng sự thay đổi

.

Cuộc bầu cử Quốc hội ngày 24 và 25-2 ở Ý không chỉ liên quan đến người dân nước này mà còn trực tiếp tác động đến tương lai của khối sử dụng đồng tiền chung châu Âu.

Những người ủng hộ ông Beppe Grillo chờ ông này phát biểu trong cuộc tuần hành ở Rome.   Ảnh: AP
Những người ủng hộ ông Beppe Grillo chờ ông này phát biểu trong cuộc tuần hành ở Rome. Ảnh: AP

Báo New York Times dẫn lời ông Nicola Piepoli, giám đốc một công ty khảo sát dư luận ở Ý, nói rằng người dân của đất nước hình chiếc ủng đang thất vọng, tức giận về chính sách “thắt lưng buộc bụng” và có nhiều người hy vọng sự đổi mới. Theo ông Piepoli, nguyên nhân do thuế gia tăng và người dân Ý không thấy sự tiến triển trong kinh tế hay đời sống xã hội. Hơn nữa, họ tức giận bởi các ứng viên không tập trung vào “những vấn đề cụ thể” trong chiến dịch tranh cử.

Trong 4 ứng viên Thủ tướng bao gồm: Thủ tướng mãn nhiệm Mario Monti, cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi, lãnh đạo Đảng Dân chủ trung tả Pier Luigi Bersani và danh hài chuyển sang làm chính trị Beppe Grillo với phong trào “5 sao”, dù ai chiến thắng cũng phải đối mặt với bài toán đưa đất nước ra khỏi cuộc suy thoái nghiêm trọng nhất trong 20 năm qua, giải quyết khủng hoảng nợ công. Là nền kinh tế lớn thứ 8 của thế giới, lớn thứ 3 của khu vực Eurozone (sau Đức và Pháp), nhưng Ý lại có số nợ công khổng lồ chiếm 120,1% GDP, chỉ đứng sau Hy Lạp.

Trong 15 tháng nắm quyền, Chính phủ kỹ trị của Thủ tướng Monti nỗ lực thực hiện các cải cách cần thiết, nhưng không kích thích được tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, thất bại của ông Monti được cho là sẽ cản đường nhà lãnh đạo này.

Trong khi đó, ông Berlusconi trên chặng đường trở lại nắm quyền đưa ra một cam kết táo bạo: hoàn trả thuế cho người dân đã đóng trong năm 2012. Phát biểu trên truyền hình, cựu Thủ tướng khẳng định sẽ dành cho người Ý 4 tỷ euro trong tài sản của riêng ông. Song, xét cho cùng thì tình trạng nước Ý ngày nay cũng là “di sản” mà ông Berlusconi để lại. Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz kêu gọi người Ý không bỏ phiếu cho ông trùm truyền thông vốn liên quan nhiều vụ bê bối. Thực chất, ông Schulz lo ngại cựu Thủ tướng Berlusconi trở lại lãnh đạo Chính phủ sẽ ngăn chặn những nỗ lực cải cách của Rome.

Để chiến thắng, liên minh cầm quyền phải giành được 340/630 ghế ở Hạ viện. Các thăm dò dư luận đều cho thấy, Đảng Dân chủ trung tả của ông Bersani sẽ chiếm đa số ghế. Theo thăm dò mới đây, liên minh của ông Bersani dẫn đầu với tỷ lệ ủng hộ 33%. Về nhì là liên minh phương Bắc của ông Berlusconi: 28%. Đáng ngạc nhiên là phong trào “5 sao” của ông Grillo về ba với tỷ lệ ủng hộ 17%. Liên minh trung dung của ông Monti chỉ giành được 13%.

Một khảo sát khác cũng cho thấy, trong số 47 triệu cử tri đi bỏ phiếu, khoảng 28% người dân chưa quyết định bỏ phiếu cho ai, hoặc đang xem xét không bỏ phiếu cho đảng nào cả. Khoảng 5 triệu cử tri dường như có quyết định trong những ngày cuối cùng trước khi bầu cử diễn ra.

Ông Bersani cam kết tiếp tục thực hiện các cải cách của người tiền nhiệm Monti, nhưng cho rằng chính sách của châu Âu hiện tại cần thúc đẩy tăng trưởng và việc làm hơn nữa. Theo AFP, dù có thể chiếm đa số tại Hạ viện nhưng liên minh giữa ông Bersani và ông Monti sẽ không đơn giản bởi không dễ khắc phục được những khác biệt lớn.

Điều quan ngại hiện nay cho cả nước Ý lẫn khối Eurozone là một Chính phủ yếu kém sẽ lãnh đạo đất nước làm các nhà đầu tư thất vọng và càng đẩy nợ công lên mức cao hơn.

VĨNH AN

;
.
.
.
.
.