Nhật Bản tìm kiếm sự ủng hộ của Mỹ trong lúc đối mặt với đe dọa từ chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên và căng thẳng với Trung Quốc liên quan vấn đề chủ quyền trên biển Hoa Đông.
Thủ tướng Shinzo Abe (phải) đến Mỹ vào ngày 22-2. Ảnh: Reuters |
Ngày 22-2, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ gặp gỡ Tổng thống Mỹ Barack Obama khi ông đến Washington trong chuyến công du chính thức. Hãng Reuters dẫn lời các trợ lý của ông Abe nói rằng, ưu tiên hàng đầu của nhà lãnh đạo Nhật Bản trong lần công cán này là khôi phục đồng minh với cường quốc hàng đầu thế giới, vốn có những rạn nứt dưới thời Đảng Dân chủ (DPJ) nắm quyền từ năm 2009-2012. “Trong suốt 3 năm, 3 tháng dưới sự lãnh đạo của DPJ, có khoảng cách lớn giữa liên minh Mỹ - Nhật”, một trợ lý nhấn mạnh.
Các chuyên gia đều nhận định quan hệ liên minh Mỹ - Nhật bị lung lay dưới thời Thủ tướng DPJ đầu tiên, ông Yukio Hatoyama, khi nhà lãnh đạo này nỗ lực xem xét thỏa thuận di dời căn cứ không quân của Mỹ đến đảo Okinawa có dân cư thưa thớt. Tuy nhiên, thời người tiền nhiệm của Thủ tướng Abe, ông Yoshihiko Noda, đã nỗ lực rất nhiều để khắc phục sự rạn nứt đó.
Hơn nữa, kể từ khi trở lại nắm quyền vào tháng 12 năm ngoái, ông Abe hiện vẫn giữ tỷ lệ ủng hộ cao. Nhưng thách thức đối với ông là phải phục hồi kinh tế và nới lỏng chính sách tiền tệ. Nếu không thực hiện được những điều này, cũng như những người tiền nhiệm, đương nhiên ông sẽ mất sự tín nhiệm của cử tri. Vì vậy, người đứng đầu Chính phủ Tokyo cũng muốn cùng Mỹ chia sẻ “công thức” phục hồi nền kinh tế và quản lý tiền tệ, để thực hiện thành công chính sách “Abenomics” (thuật ngữ chỉ chính sách kinh tế của ông Abe). “Abenomics” - nhất là việc nới lỏng chính sách tiền tệ - khiến giá trị đồng yen giảm khoảng 10% so với đồng USD, nhưng làm nước ngoài quan ngại Nhật Bản đang hạ tỷ giá tiền tệ của mình để thúc đẩy xuất khẩu, một trong những cách để đưa đất nước khỏi suy thoái.
Lần này, Thủ tướng Abe và Tổng thống Obama sẽ trao đổi về các biện pháp cấm vận CHDCND Triều Tiên và thúc đẩy việc phòng vệ tên lửa sau khi Bình Nhưỡng thử hạt nhân lần ba. Theo Reuters, ông Abe cũng kỳ vọng tạo dựng liên minh mạnh mẽ với Mỹ nhằm gửi thông điệp đến Trung Quốc rằng không nên để căng thẳng do tranh chấp chủ quyền trên biển Hoa Đông leo thang. Tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư với hàng loạt động thái của Tokyo và Bắc Kinh trong thời gian qua phủ bóng đen lên quan hệ ngoại giao giữa 2 cường quốc châu Á.
Ông Abe cũng sẽ thảo luận với Tổng thống Mỹ về khả năng đàm phán thương mại tự do khu vực. Từ năm 2011 đến nay, Nhật Bản vẫn xem xét việc tham gia các cuộc đàm phán đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Mỹ dẫn đầu. 11 nước tham gia TPP bao gồm Việt Nam, Mỹ, Canada, Mexico, Úc, New Zealand, Chile, Peru, Singapore, Malaysia và Brunei dự kiến đạt được một thỏa thuận trong năm nay. Trao đổi với Reuters, đại diện thương mại Mỹ Ron Kirk nói rằng, Tokyo sẽ sẵn sàng tham gia đàm phán nhưng không loại trừ khả năng có động thái đặc biệt trong thỏa thuận cuối cùng.
Giáo sư Mikitaka Masuyama tại Viện Đại học quốc gia về nghiên cứu chính sách ở Tokyo cho rằng, tình hình ở Đông Á đang ngày càng khó xác định và một trong những điều mà ông Abe muốn là củng cố liên minh Mỹ - Nhật. Theo ông Masuyama, chuyến công cán của Thủ tướng Abe sẽ thành công nếu chính sách kinh tế của ông nhận được sự đồng tình từ phía Mỹ hoặc ít nhất không bị Washington ngay lập tức bác bỏ.
PHÚC NGUYÊN