.

Cần một hiệp ước cứng rắn

Hiệp ước toàn cầu đầu tiên về điều chỉnh hoạt động mua bán vũ khí trị giá 70 tỷ USD sắp được các thành viên LHQ có mặt tại vòng đàm phán ở New York (Mỹ) phê chuẩn. Song, vẫn có những quan ngại rằng, Iran, Ấn Độ, Syria hoặc một số quốc gia khác có thể phản đối.

Mục đích đặt ra là xây dựng bộ tiêu chuẩn cho tất cả các loại vũ khí buôn bán qua biên giới, sao cho không vi phạm các nghị quyết về nhân quyền, khủng bố, nhân đạo, không vi phạm lệnh cấm vận vũ khí của LHQ và không buôn bán bất hợp pháp. Mục đích tốt đẹp là vậy nhưng hiệp ước đã gặp không ít trở ngại khi nước này ủng hộ, nước kia phản đối, lãnh đạo quốc gia này ủng hộ nhưng chưa chắc Quốc hội nước đó thông qua mặc dù việc buôn bán vũ khí bất hợp pháp trên thế giới hiện vượt kiểm soát.  

Những người ủng hộ hiệp ước chỉ trích dự thảo mới nhất không đủ cứng rắn để ngăn chặn các giao dịch vũ khí bất hợp pháp. Bởi lẽ, cứ mỗi phút trên thế giới có một người tử vong vì bạo lực súng đạn. Hơn 740.000 đàn ông, phụ nữ và trẻ em chết mỗi năm cũng do tình trạng bạo lực vũ khí.

Điều mà Đức, Pháp, Anh, Nga, Trung Quốc - những quốc gia ủng hộ dự thảo hiệp ước - cần là cái gật đầu của Mỹ. Khi lên nắm quyền vào năm 2009, Tổng thống Barack Obama tuyên bố ủng hộ hiệp ước, nhưng đến cuộc thương thảo vào tháng 7 năm ngoái, Mỹ, Trung Quốc lại nói rằng muốn có thêm thời gian. Nhiều nhà ngoại giao dự đoán Mỹ bỏ phiếu đồng ý. Tuy nhiên, có thể sự nỗ lực của ông Obama sẽ không được đền đáp bởi Hiệp hội Súng quốc gia Mỹ (NRA) phản đối, kêu gọi các nhà lập pháp ngăn chặn hiệp ước này khi qua “cửa” Quốc hội. Lý do NRA đưa ra là hiệp ước hủy hoại quyền của người dân trong việc sở hữu súng ở trong nước.

VĨNH AN

;
.
.
.
.
.