Trong lịch sử đương đại đã xảy ra nhiều cuộc chiến tranh đẫm máu gây biết bao đau thương tang tóc cho dân thường. Đặc biệt, vào những năm đầu của thế kỷ XXI có các cuộc chiến tranh mà đến bây giờ vẫn làm dư luận bàng hoàng khi vỏ bọc về nguyên nhân của nó dần dần lộ rõ.
Một trong những cuộc chiến tranh được nấp dưới danh nghĩa chống khủng bố và phá hủy kho vũ khí hóa học nguy hiểm mà chế độ Saddam Hussein sở hữu, chính là cuộc chiến tranh mà Mỹ và các đồng minh nhằm vào Iraq, sau khi họ phát động cuộc chiến chống Afghanistan. Ngay từ đầu, không ít quốc gia, chính khách có uy tín đã lên án Mỹ và phương Tây nhằm vào Iraq chính là thực hiện mưu toan củng cố vị thế ở Trung Đông và bảo vệ quyền lợi của mình, trong đó dầu lửa là mục tiêu hàng đầu.
Nhưng bối cảnh tình hình quốc tế lúc bấy giờ, “bóng ma Al-Qaeda” còn bao trùm trên nhiều khu vực của thế giới đã tạo cơ hội cho ông chủ Nhà Trắng có cơ sở để ngụy biện cho hành vi của mình. Vì thế, cuộc chiến tranh nhằm vào Iraq lấn lướt tất cả những phản đối. Cách đây đúng 10 năm, Ngoại trưởng Mỹ lúc bấy giờ là ông Colin Powell đại diện nước Mỹ đọc diễn văn tại LHQ cáo buộc chế độ Saddam Hussein sở hữu vũ khí giết người hàng loạt. Do vậy, không có con đường nào khác hơn là phải tiến hành cuộc chiến tranh để “dập tắt lò lửa nguy hiểm đang nằm giữa lòng Trung Đông” này (?!).
Thế nhưng, sau một thập niên diễn ra cuộc chiến, những ý đồ của Mỹ và phương Tây đã lộ nguyên hình. Ông Powell mới đây lên tiếng thừa nhận rằng, việc Mỹ tiến hành cuộc chiến nhằm vào Iraq là hoàn toàn sai lầm vì quốc gia này không sở hữu vũ khí hóa học và cũng không phải là trung tâm của tổ chức khủng bố quốc tế Al-Qaeda. Trong một cuốn sách ông Powell vừa xuất bản, và như lời ông trao đổi với tờ Le Nouvel Observateur (Pháp) số ra mới đây, những cáo buộc của ông khi ấy hoàn toàn dựa vào nguồn tin của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), mà dần dần ông mới phát hiện là ngay cả CIA cũng không chắc chắn về những thông tin đó. Ông Powell chua chát thốt lên: “10 năm sau, người đứng đầu CIA khi ấy chưa từng thừa nhận sai lầm, chưa từng giải thích vì sao hạ cấp của ông lại có thể viết ra những bằng chứng cho rằng Saddam Hussein sở hữu nhiều trăm tấn vũ khí hóa học, trong khi ông Saddam không hề có một gam nào về loại vũ khí này”.
Vậy thì nguyên nhân nào mà Mỹ và phương Tây lại tiến hành một cuộc chiến tranh như vậy? Tờ nguyệt san Le Monde Diplomatique (Pháp) số ra tháng 3-2013 đăng bài phân tích khá sâu sắc với tiêu đề: “Thất bại của một cuộc chiến vì dầu hỏa”. Tờ báo cho biết, từ lâu, nhà cầm quyền Mỹ luôn khẳng định tham chiến tại Iraq không phải vì dầu hỏa. Thế nhưng, ngày càng xuất hiện nhiều bằng chứng cho thấy điều ngược lại. Tờ báo dành đến 2 trang lớn đưa ra những tài liệu và bằng chứng cho lập luận của mình.
Cũng nhân sự kiện 10 năm xảy ra cuộc chiến tranh Iraq, Le Monde Diplomatique đã đăng bài chạy tựa lớn trên trang nhất: “10 năm sau, Iraq trở nên ra sao?”. Tờ báo dành bài tổng kết về cái được, cái mất của việc phương Tây tham chiến tại Iraq. Tờ báo nhận định: Sự tham chiến này là một thất bại, không chỉ đối với phương Tây mà còn đối với chính lợi ích của người Iraq. Cuộc chiến đã gây ra hàng trăm ngàn nạn nhân và đẩy đất nước này vào tình trạng bất ổn triền miên. 10 năm đã trôi qua, đất nước Iraq bất ổn vẫn bất ổn, với tình trạng tam phân ngũ lập cả về chính trị lẫn tôn giáo. Người ta ví đất nước Iraq những năm qua “đang ở trong một chuỗi sự kiện tiếp nối nhau mà không hề thấy điểm kết thúc”...
Từ sự kiện của cuộc chiến tranh ở Iraq, người ta lại liên tưởng đến cuộc chiến tranh ở Libya mới đây và những toan tính của Mỹ cùng phương Tây đang nhằm vào Syria để tạo nên chuỗi các cuộc chiến tranh ở khu vực Trung Đông, vốn luôn trong tình trạng bất ổn càng trở nên rối loạn hơn bao giờ hết. Nhưng cái lợi vẫn luôn thuộc về Mỹ và phương Tây, còn đau khổ và bất an lại đè nặng lên đầu những người dân khốn khổ ở các quốc gia này.
LÊ MINH HÙNG