.

Quan hệ Nga - Trung: Bước đi mang tính biểu tượng

.

Chuyến công du nước ngoài đầu tiên của tân Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Nga trong ba ngày 22, 23 và 24-3 được xem là bước đi mang tính biểu tượng. Đây là dịp để hai nước đều là thành viên Thường trực Hội đồng Bảo an LHQ thúc đẩy quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện.

Tổng thống Nga Vladimir Putin chào đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.                    Ảnh: Reuters
Tổng thống Nga Vladimir Putin chào đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Reuters

Tổng thống Nga Vladimir Putin mô tả quan hệ giữa Mátxcơva với Bắc Kinh là “nhân tố cực kỳ quan trọng trong chính sách toàn cầu” và định hình trật tự thế giới mới. Ông đánh giá cao việc nhà lãnh đạo Tập Cận Bình chọn Nga là điểm đến đầu tiên sau khi nhậm chức Chủ tịch Trung Quốc. Còn ông Tập Cận Bình cho rằng, quan hệ giữa hai nước bảo đảm sự cân bằng chiến lược và hòa bình trên thế giới.

Nhận định của cả ông Putin lẫn ông Tập Cận Bình đã được kiểm nghiệm thực tế: Những năm gần đây, Nga và Trung Quốc có sự hợp tác chặt chẽ trong các vấn đề chính trị toàn cầu, trong đó có việc đồng hành khi tìm giải pháp cho khủng hoảng chính trị ở Syria, Iran và CHDCND Triều Tiên. Năm ngoái, chỉ gần một tháng sau khi chính thức trở lại Điện Kremlin nắm quyền, Tổng thống Putin đã đến Bắc Kinh trong chuyến công du đầu tiên.

Giới quan sát cho rằng, chuyến công cán của ông Tập Cận Bình mang lại cho Trung Quốc nhiều lợi ích. Là nước tiêu thụ năng lượng nhiều nhất thế giới, Trung Quốc không thể không quan tâm đến Nga - một trong những nước sản xuất năng lượng lớn nhất thế giới và muốn tận dụng nguồn năng lượng của một cường quốc như Nga để củng cố kinh tế. Năm 2012, Trung Quốc nhập của Nga 42,5 tỷ m3 khí đốt, tăng hơn 30% so với năm trước đó. Tập đoàn khổng lồ Rosneft thuộc Nhà nước Nga và Tập đoàn CNPC của Trung Quốc đã ký kết thỏa thuận về những điều kiện cơ bản cung cấp dầu thô. Song, hai nước vẫn chưa thật sự thông qua việc cung cấp đường ống dẫn khí đốt cho Trung Quốc - thỏa thuận vốn bế tắc trong nhiều năm do vấn đề giá cả. Đường ống trong đề án dẫn khí đốt Siberia hoàn thành sẽ cho phép Trung Quốc nhập khẩu 68 tỷ m3 khí đốt/năm.

Theo hai học giả Douglas H. Paal và Dmitri Trenin của Viện Carnegie Endowment, Trung Quốc có thể đang nỗ lực để kéo Nga về phía mình trong cuộc tranh chấp chủ quyền với Nhật Bản trên biển Hoa Đông. Hơn nữa, Bắc Kinh cũng muốn có sự hợp tác của Mátxcơva để chống lại lá chắn tên lửa do Mỹ dẫn đầu đặt ở Đông Bắc Á. Bắc Kinh mong muốn cái bắt tay của Nga sẽ giúp ích cho chiến lược ngăn chặn “trục xoay” của Washington ở châu Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, hai học giả lại cho rằng, Nga dường như không quan tâm nhiều đến kế hoạch của Trung Quốc khi Mátxcơva muốn bình thường hóa quan hệ với Tokyo và cũng không muốn làm mất lòng Washington trong vấn đề lá chắn tên lửa.

Với Nga, Trung Quốc cũng mang lại nhiều lợi ích khi quyền lợi của Mátxcơva còn gắn kết với Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO, bao gồm 6 nước thành viên: Trung Quốc, Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Uzbekistan) và nhóm các nền kinh tế mới nổi, thường gọi là BRICS (bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi). Vì vậy, dù vẫn còn những bất đồng chưa được tháo gỡ, nhưng cái gọi là “biểu tượng” trong quan hệ hợp tác giữa Nga với Trung Quốc sẽ vẫn phải duy trì.

Trong 20 năm qua, trao đổi thương mại, kinh tế chiếm vị trí hàng đầu trong quan hệ Nga - Trung và chỉ trong năm qua, con số giao dịch lên đến 88 tỷ USD. Dự kiến năm 2013, giao dịch thương mại song phương sẽ tăng lên 100 tỷ USD.

Sau Nga, ông Tập Cận Bình sẽ đến Tanzania, Cộng hòa Congo và Nam Phi - nơi ông và Tổng thống Putin gặp gỡ tại Hội nghị Thượng đỉnh của nhóm BRICS sắp diễn ra.  

VĨNH AN

;
.
.
.
.
.