.

Lời dặn của Margaret Thatcher

Cựu Thủ tướng Anh, bà Margaret Thatcher qua đời hôm 8-4-2013 ở tuổi 87. Bà Thatcher là nữ Thủ tướng đầu tiên và duy nhất của nước Anh tính đến nay. Bà cũng là người có thời gian tại vị lâu nhất, từ 1979-1990, ở nước này trong thế kỷ 20. Cả trong những năm đương chức lẫn khi về nghỉ, bà Thatcher nhận được vô số lời ca ngợi cũng như nhiều chỉ trích, và là người không chỉ có tầm ảnh hưởng lớn đối với nước Anh mà cả thế giới.

Trong suốt 11 năm cầm quyền, bà Thatcher được ví như  “bà đầm thép” với những quyết đoán trong vai trò lãnh đạo của mình về cả chính sách đối nội và đối ngoại. Bà đã kiên quyết thay đổi cơ cấu và tư hữu hóa, tạo dựng một nước Anh hùng mạnh về kinh tế và nhanh chóng trở thành cường quốc của thế giới.
Bà đã thiết lập với các mối quan hệ quốc tế  làm cho nước Anh có ảnh hưởng lớn trong các chính sách khi giải quyết các vấn đề nổi cộm của thế giới.

Với những cống hiến cho nước Anh, cho thế giới, bà Thatcher đương nhiên sẽ được chính quyền nước này tổ chức quốc tang với nghi lễ trọng thể nhất. Một số lãnh đạo phe Bảo thủ kêu gọi tổ chức một tang lễ Nhà nước đầy đủ như những gì đã làm với cố Thủ tướng Winston Churchill. Cố Thủ tướng Winston Churchill là thường dân gần đây nhất được nước Anh tổ chức quốc tang vào 30-1-1965. Lễ tang của ông được phát sóng trên truyền hình, thu hút 350 triệu người xem và có sự tham dự của 110 nhà lãnh đạo thế giới.

Tuy nhiên, như lời của ông Lord Bell, phát ngôn viên đồng thời cũng là người bạn của bà Thatcher, tiết lộ với báo chí nước này rằng trước khi qua đời, bà đã quả quyết là mình không "thích hợp" với một kiểu quốc tang và với một phi đội máy bay trình diễn sẽ chỉ gây lãng phí tiền thuế của người dân. "Bà ấy không muốn quốc tang, gia đình bà cũng không muốn", ông Lord Bell nói.

Theo báo chí Anh, linh cữu của bà Thatcher sẽ được chuyển đến nhà nguyện St. Mary Undercroft ở cung điện Westminster, tức Tòa nhà Quốc hội Anh. Một buổi lễ đơn giản sẽ được tổ chức tại nhà nguyện và bà sẽ nghỉ một đêm tại đây. Ngày hôm sau, xe tang sẽ rước linh cữu bà từ Westminster đến St Clement Danes, nhà thờ chính của Không quân Hoàng gia. Từ đây, linh cữu bà Thatcher được đưa đến nhà thờ St. Paul với sự hộ tống của quân đội Hoàng gia Anh. Các cựu chiến binh của quân đội Anh tại bệnh viện Hoàng gia Chelsea sẽ đóng vai trò trung tâm trong tang lễ của bà Thatcher.

Đặc biệt, thay vì các vòng hoa viếng, gia đình của bà Thatcher đề nghị quan khách trong và ngoài nước đóng góp tiền cho quỹ từ thiện giúp đỡ các cựu binh.

Ngoài bạn bè và thân quyến, các chính trị gia từng làm việc trong nội các của bà Thatcher cùng Chính phủ đương nhiệm sẽ có mặt tại tang lễ.

Trước đó, một lễ tang cá nhân cũng sẽ được tổ chức ở Mortlake, tây nam London. Bà Thatcher được cho là có nguyện vọng để tro cốt của mình an nghỉ cạnh tro cốt của chồng bà, ông Denis, tại nghĩa trang bệnh viện Hoàng gia ở Chelsea.

Từ lời dặn của bà Thatcher, càng làm cho dư luận nước Anh và cộng đồng quốc tế thêm kính trọng nhà lãnh đạo từng ví là “bà đầm thép” khi đương chức. Bởi trong suốt cuộc đời làm chính trị của mình, bà đã thể hiện là nhà đạo bản lĩnh, kiên cường, luôn hướng đến mục tiêu cao cả vì nước Anh, vì một thế giới hòa bình và thịnh vượng.

Cho nên bà coi sự ra đi của mình là một cuộc hành hương nhẹ nhàng, thanh thản, và không đòi hỏi gì cao hơn để gây ra tốn kém tiền bạc của nhân dân.

Đồng thời, thực hiện ý nguyện của người quá cố, gia đình bà cũng đưa ra một thông điệp là không nhận hoa mà chỉ xin nhận tiền để đóng góp vào một quỹ từ thiện.

Giá trị mà bà Thatcher có được không chỉ ở xứ sở sương mù mà cả trên thế giới, đó chính là hình ảnh của bà luôn vì sự phát triển mạnh mẽ của đất nước và sự hạnh phúc của nhân dân, dĩ nhiên cũng là sự khiêm nhường có thật của một con người.

LÊ MINH HÙNG

;
.
.
.
.
.