.

Thiên đường vụt mất

Cyprus đồng ý thực hiện những giải pháp để nhận được gói cứu trợ 10 tỷ euro của Liên minh châu Âu (EU), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Theo đó, trước mắt IMF  sẽ cung cấp 1 tỷ euro cho Cyprus. Chính phủ nước này cũng mở cuộc điều tra về nguyên nhân khiến quốc đảo Địa Trung Hải ngấp nghé bờ vực phá sản. Nhưng với người dân Cyprus hoặc những người nước ngoài sống tại quốc đảo này, gói cứu trợ hay việc điều tra không làm họ quan tâm nữa bởi thiên đường đã biến mất.

Tân Bộ trưởng Tài chính Harris Georgiades cam kết làm bất kỳ điều gì để loại bỏ sự bấp bênh của nền tài chính và đưa kinh tế Cyprus tăng trưởng trở lại. Song, người dân Cyprus dường như không mảy may tin tưởng vào lời hứa của các nhà chức trách nữa khi tiền của họ bỗng chốc bị “đóng băng”. Hệ thống ngân hàng vốn giữ tiền với lãi suất cao và mức thuế phải trả thấp nhất trong khu vực đồng tiền chung châu Âu nay sụp đổ. Những người gửi từ 100.000 euro trở lên tại các ngân hàng của Cyprus (trong đó có 2 ngân hàng lớn nhất là Ngân hàng Cyprus và Ngân hàng Laiki) đều không thể nhận lại nguyên vẹn số tiền của mình mà một phần được chuyển sang cổ phiếu, một phần bị đánh thuế cao. Chưa có chính xác con số thiệt hại của người gửi tiền, nhưng ước tính họ mất đến 60% tiền tiết kiệm.

Cyprus đang rơi vào suy thoái với tỷ lệ thất nghiệp khoảng 15% và GDP sẽ giảm 3,5% trong năm nay. Bộ trưởng Tài chính vừa từ chức Michalis Sarris cho rằng, năm 2013 và cả năm 2014 đều là những năm khó khăn với Cyprus. Theo giới chức, quốc đảo sẽ tăng trưởng trở lại vào năm 2015, nhưng một số chuyên gia kinh tế nhận định dự đoán như vậy là quá lạc quan.

Nhà kinh tế học Christoph Weil tại Ngân hàng khổng lồ Commerzbank của Đức đánh giá triển vọng kinh tế của Cyprus rất tồi tệ (kinh tế của Cyprus vốn chủ yếu dựa vào dịch vụ, sản xuất chiếm khoảng 6% GDP, nông nghiệp chỉ chiếm 2,3% GDP và xây dựng chiếm khoảng 6,2% GDP). Ông Weil cho rằng, các nhà đầu tư sẽ không đến Cyprus, không còn ai dám đem tiền gửi vào các ngân hàng nơi đây nữa và điều này không thay đổi trong những năm tới.

Để xảy ra điều tồi tệ như ngày nay, giới chức Cyprus phải tự trách mình khi đem tiền mua trái phiếu Hy Lạp và đầu tư vào bất động sản, chứ không thể trách EU hay các chủ nợ đối xử không công bằng.

VĨNH AN

;
.
.
.
.
.