.

Thông điệp của Mỹ

Chuyến công du Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản vào tuần tới của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ mang theo thông điệp, đó là phản ứng của Washington trong chính sách ngoại giao đối với những động thái gần đây của CHDCND Triều Tiên.

Báo The Christian Science Monitor nhận định: Hiện diện ở châu Á, ông John Kerry muốn trấn an các đồng minh rằng, Mỹ sau khi thực hiện các biện pháp phòng vệ quân sự cần thiết đang tập trung tìm kiếm các bước đi ngoại giao, cả ngắn hạn lẫn dài hạn, với mục tiêu giải quyết vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên. Trước đó, Mỹ triển khai các máy bay ném bom B-52, đưa các tàu chiến đến khu vực bán đảo Triều Tiên, đồng thời di chuyển hệ thống phòng vệ tên lửa đến Alaska và Guam. Song, những động thái này khiến Bình Nhưỡng tức giận, cảnh báo nguy cơ chiến tranh hạt nhân.   

Chưa rõ thông điệp cụ thể của Mỹ mang đến châu Á lần này như thế nào. Nhưng Washington cùng nhiều nước khác đang đặc biệt quan tâm đến thái độ của Trung Quốc, đồng minh lớn của CHDCND Triều Tiên. Theo các nhà quan sát, Bắc Kinh gần đây thờ ơ với Bình Nhưỡng, thậm chí có dấu hiệu sẵn sàng cứng rắn, nhất là xung quanh việc tán thành các biện pháp trừng phạt mới của Hội đồng Bảo an LHQ đối với chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân của nước này.

Ông Kurt Campbell, cựu trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, đồng thời là trợ lý của Tổng thống Barack Obama về trục châu Á, cũng cho rằng có “sự thay đổi khéo léo” trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc. Bộ Ngoại giao Mỹ trong tuần này đề cập vai trò then chốt của Trung Quốc trong bất kỳ nỗ lực ngoại giao nào về vấn đề Bình Nhưỡng. Người phát ngôn Victoria Nuland xem Trung Quốc là “đòn bẩy” khi giải quyết chương trình hạt nhân trên bán đảo đang nóng lên từng ngày.  

Dù có những thay đổi như thế nào thì các nhà quan sát đều cho rằng, CHDCND Triều Tiên không có ý định gây ra cuộc xung đột như những đe dọa và chiến tranh hạt nhân sẽ khó xảy ra.

 V.A

;
.
.
.
.
.