Đại sứ Syria tại LHQ Bashar Ja’afari cho rằng, nghị quyết vừa được Đại hội đồng LHQ thông qua chống lại quốc gia Trung Đông này là động thái “đi ngược xu hướng hiện nay”. Đúng như dự đoán của các nhà quan sát, nghị quyết đã được thông qua vào ngày 15-5 (giờ New York) mặc dù có đến hơn 70 nước không tán thành (tỷ lệ phiếu là 107 phiếu thuận, 12 phiếu chống và 59 phiếu trắng).
Dù không mang tính chất ràng buộc về pháp lý (không như nghị quyết tại Hội đồng Bảo an LHQ) nhưng nghị quyết của Đại hội đồng LHQ có ảnh hưởng chính trị đáng kể, theo đó xác nhận tổ chức đối lập Liên minh quốc gia Syria (SNC) là đại diện hợp pháp của đất nước và người dân Syria, đồng thời lên án Chính phủ Tổng thống Syria Bashar al-Assad vi phạm nhân quyền, sử dụng vũ khí hạng nặng... Hãng AP cho rằng, động thái của Đại hội đồng LHQ có thể tác động đến Hội đồng Bảo an - nơi mà các đồng minh của Syria là Nga và Trung Quốc đã 3 lần phủ quyết nghị quyết do phương Tây hậu thuẫn được đặt ra nhằm buộc Tổng thống Assad từ chức. Trong vấn đề Syria, Hội đồng Bảo an đã và đang bị chia rẽ, nhưng diễn biến sắp tới như thế nào thì vẫn khó dự đoán.
Lý giải cho việc 107 nước tán thành dự thảo nghị quyết do khối Arab đề xuất, Chủ tịch Đại hội đồng LHQ Vuk Jeremic gọi những gì diễn ra tại Syria là “thảm kịch” và nói rằng, nếu không thể làm gì để ngăn chặn “thảm kịch” này thì làm sao duy trì được sự tín nhiệm đối với tổ chức gồm 193 thành viên.
Tuy trợ lý Đại sứ Mỹ Rosemary DiCarlo cho hay, nghị quyết mới là động thái thúc đẩy sáng kiến của Mỹ và Nga - được thông qua ngày 7-5, nhưng Máxcơva (và Bắc Kinh) vẫn kiên định lập trường ủng hộ Chính phủ Damascus, không muốn nước ngoài can thiệp vào công việc nội bộ của Syria. Bà DiCarlo khẳng định giải pháp chính trị mà Mỹ và Đại hội đồng LHQ tìm kiếm là giải pháp tốt nhất nhằm kết thúc cuộc nội chiến ở Syria. Tuy nhiên, phía Nga lại chỉ trích nghị quyết sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sáng kiến đối thoại hòa bình Syria do Washington và Mátxcơva khởi xướng. Còn Bắc Kinh bỏ phiếu chống nghị quyết vì cho rằng giải pháp mà khối Arab đề xuất không được xem xét trên quan điểm của tất cả các bên liên quan.
VĨNH AN