.

Trung Quốc liên tục "gây hấn" với láng giềng

.

Báo Economist của Anh bình luận rằng Trung Quốc đang ngày càng tỏ ra hung hăng. Chuyên mục phân tích về tình hình chính trị và văn hóa châu Á điểm lại 3 cuộc xung đột gần đây nhất của Trung Quốc với các quốc gia láng giềng liên quan tới vấn đề lãnh thổ, lãnh hải.

Trung Quốc tập trận ở Biển Hoa Đông (Ảnh: Xinhua)
Trung Quốc tập trận ở Biển Hoa Đông (Ảnh: Xinhua)

Mới nhất, ngày 26/4, Trung Quốc đòi Philippines “rút toàn bộ công dân và các cơ sở” khỏi một số đảo và bãi san hô ở Biển Đông, trong đó có những nơi Philippines đã hiện diện từ hàng thập niên qua.

Cũng trên biển, Nhật Bản cho biết các tàu hải giám của Trung Quốc ngày ngày lượn lờ quanh khu vực đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông.

Cuối cùng là vụ việc trên bộ với Ấn Độ, mà theo đánh giá của Economist, đây là vụ gây nhiều ngạc nhiên nhất. Ấn Độ nói ngày 15/4, binh lính Trung Quốc đã dựng trại lấn tới 19km vào bên kia “đường kiểm soát thực tế” (LAC) vốn phân chia Ladakh thuộc bang Jammu & Kashmir của Ấn Độ với Trung Quốc do 2 nước chưa đạt được thỏa thuận biên giới.

Tất cả những vụ trên, Trung Quốc đều nói rằng họ chỉ đáp trả sự khiêu khích mà thôi. Theo Economist, điều đó khiến các nước láng giềng lo sợ.

Báo này nhận xét rằng nếu xét một cách đơn lẻ, các hành động của Trung Quốc có thể coi như những phản ứng trước những áp lực khác nhau. Nhưng kết hợp lại với nhau, chúng tạo nên 2 mối nguy.

Thứ nhất, Trung Quốc có vẻ đang tiến hành chiến dịch nhằm xác lập “những thực tế mới thực địa” (hay trên biển), nhằm củng cố vị trí của mình trong các cuộc đàm phán hoặc xung đột sau này. Nhưng nhiều khả năng chúng lại thể hiện điều đối nghịch: đó là những người nắm chính sách ngoại giao của Trung Quốc đang thiếu khả năng đưa ra một cách ứng xử có phối hợp, kín kẽ trước những khiêu khích xảy ra cùng lúc. Thay vì đối phó với từng đối phương một thì Trung Quốc lại đang thách thức toàn bộ cùng một lúc.

Thứ hai là nguy cơ xảy ra xung đột. Cả Trung Quốc lẫn các nước khác có liên quan đều không muốn các cuộc cãi cọ này dẫn tới tình trạng bạo lực. Nhưng luôn có nguy cơ là một vị chỉ huy địa phương có thể sẽ tính toán sai, dẫn tới việc leo thang căng thẳng ở mức không lường trước được.

Trong một diễn biến khác, báo cáo của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Carnegie Endowment có trụ sở tại Washington cho biết Bắc Kinh hoàn toàn có khả năng sử dụng sức mạnh ngày càng tăng của mình để lấn lướt Tokyo, nhưng sẽ tránh một cuộc đối đầu theo kiểu chiến tranh lạnh với Washington. Đây là kết luận quan trọng của một công trình nghiên cứu Mỹ mới được hoàn tất và được xem là một nghiên cứu công khai toàn diện nhất về sự trỗi dậy của Trung Quốc và tác động đối với liên minh Mỹ-Nhật trong những năm tới đây.

Dưới tựa đề “Quân sự Trung Quốc và Liên minh Mỹ-Nhật Bản vào năm 2030,” các chuyên gia Mỹ ghi nhận rằng với chí phí quốc phòng luôn tăng trên 10% mỗi năm, Trung Quốc ngày càng tạo ra những quan hệ căng thẳng với Nhật Bản - nước đang lên tiếng báo động về tần số càng lúc càng dồn dập của các vụ tàu Trung Quốc đột nhập vào khu vực bao quanh quần đảo đang tranh chấp giữa hai bên.

Theo các chuyên gia Mỹ, nhìn một cách tổng quát thì chủ trương của Trung Quốc vẫn là chỉ dùng vũ lực như một phương cách tối hậu trong vấn đề đối ngoại. Báo cáo viết: “Trong vòng từ 15-20 năm tới đây, thách thức tiềm tàng đối với liên minh Mỹ-Nhật không bao hàm một cuộc xung đột quân sự toàn diện giữa Trung Quốc với Nhật Bản hay Mỹ - chẳng hạn như trong trường hợp Trung Quốc cố gắng dùng sức mạnh trục xuất Mỹ ra khỏi khu vực.”

Thách thức nhiều khả năng xảy ra nhất, theo bản báo cáo, sẽ bắt nguồn từ “sức mạnh cưỡng chế ngày càng tăng của Bắc Kinh.” Tiềm lực quân sự của Trung Quốc ngày càng mạnh, có thể cho phép Bắc Kinh gia tăng ảnh hưởng hoặc tìm cách giải quyết tranh chấp với Tokyo theo chiều hướng có lợi cho Trung Quốc.

Đối với các tác giả, “các thay đổi đáng kể” - chẳng hạn như một cuộc chiến tranh lạnh tại châu Á giữa Trung Quốc với Mỹ và các đồng minh, hoặc khả năng châu Á bị Trung Quốc hoàn toàn khống chế - không thể xảy ra trước năm 2030./.

(Vietnam+)
 

;
.
.
.
.
.