.

Đối đầu hay đối thoại?

Kế hoạch đàm phán cấp Bộ trưởng giữa hai miền Triều Tiên lần đầu tiên trong 6 năm qua sụp đổ làm tiêu tan bao hy vọng về bức tranh hòa bình tương lai trên bán đảo vốn đang “nóng”, nhất là từ đầu năm đến nay. CHDCND Triều Tiên ngày 13-6 đổ lỗi cho Hàn Quốc, còn Seoul bày tỏ sự thất vọng đối với phản ứng của Bình Nhưỡng mà quốc gia phía Nam cho là “bóp méo sự thật”.

Vậy, đàm phán khi nào được nối lại? Sẽ khó có nhà quan sát nào trả lời được câu hỏi này, bởi với thái độ của cả CHDCND Triều Tiên lẫn Hàn Quốc trong lúc này thì triển vọng nối lại đàm phán thật khó và hy vọng hòa bình ở khu vực Đông Bắc Á rất đỗi mong manh.  

Lý do để hủy đối thoại là hai miền đều không thống nhất về thành phần phái đoàn của mỗi bên. Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên KCNA gay gắt đến mức mô tả việc Thứ trưởng Bộ Thống nhất Hàn Quốc Kim Nam-shik dẫn đầu phái đoàn Seoul là “đỉnh cao của sự thiếu lịch sự và thiếu tôn trọng chưa từng có trong lịch sử đối thoại giữa hai miền Bắc - Nam”.

Theo một số nhà quan sát, đàm phán bị hủy cho thấy CHDCND Triều Tiên có thể trở lại giải pháp đối đầu hơn là đối thoại. Tuy nhiên, Ủy ban Thống nhất Hòa bình Triều Tiên (CPRK) cho rằng, chính Hàn Quốc không có ý định đối thoại. Đến lúc này, CPRK nói rằng không còn hy vọng gì về các cuộc thương thảo giữa nhà chức trách CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc nữa.

Sẽ là bi quan nếu nghĩ rằng đàm phán vĩnh viễn bế tắc và không có thêm lần đàm phán cấp Chính phủ nào nữa, nhưng quả thật chưa có cơ sở để nói đến những tín hiệu vui. 21 vòng đàm phán cấp cao đã qua kể từ năm 2000 đến nay vẫn chưa thể làm hai miền xích lại gần nhau.

Đầu năm nay, Bình Nhưỡng đe dọa tấn công bằng tên lửa và hạt nhân nhằm vào cả Hàn Quốc lẫn Mỹ sau khi bị Hội đồng Bảo an LHQ áp đặt các biện pháp trừng phạt; rồi đến việc khu công nghiệp Kaesong ngừng hoạt động… Hàng loạt vấn đề đang cần sự điềm tĩnh và thiện chí để đối thoại hơn là những cái lắc đầu.

VĨNH AN

;
.
.
.
.
.