Việc Tổng thống Barack Obama sẽ bổ nhiệm Đại sứ Mỹ tại LHQ Susan Rice làm Cố vấn An ninh quốc gia vào tháng 7 tới, thay ông Tom Donilon, được cho là tác động đến chính sách ngoại giao của Nhà Trắng. Bà Rice từng đóng vai trò quan trọng trong chiến dịch của Mỹ ở Libya, nhưng chính quốc gia Bắc Phi này lại mang đến cho nhà ngoại giao 48 tuổi những thành công và cả những thất bại.
Đối với Mỹ, thành công của bà Rice là việc thúc đẩy Hội đồng Bảo an LHQ thông qua “tất cả giải pháp cần thiết” để bảo vệ người dân Libya - lực lượng nổi dậy lật đổ Tổng thống Muammar Gaddafi. Song, nỗ lực của bà lại bị phủ bóng bởi vụ khủng bố tấn công vào Lãnh sự quán Mỹ ở thành phố Benghazi của Libya hồi tháng 9-2012 làm 4 người Mỹ thiệt mạng, trong đó có một đại sứ. Vụ tấn công vẫn là nỗi ám ảnh của bà Rice vì sau đó, bà phải rút khỏi danh sách ứng viên tranh cử chức Ngoại trưởng Mỹ, mở đường cho ông John Kerry trở thành người đứng đầu Bộ Ngoại giao. Mặc dù bà Rice đã có phát biểu trên truyền hình rằng, vụ tấn công ở Benghazi là hành động tự phát nhưng búa rìu dư luận, nhất là Đảng Cộng hòa, vẫn chỉ trích bà đánh giá sai tình hình và cố tình che đậy vụ việc.
Phản ứng của Đảng Cộng hòa trước thông tin bà Rice sẽ được bổ nhiệm làm Cố vấn An ninh quốc gia giờ đây có phần êm dịu hơn. Thượng nghị sĩ John McCain nói rằng, ông thất vọng với việc bổ nhiệm nhưng sẽ nỗ lực hợp tác với bà trong những vấn đề quan trọng.
Tốt nghiệp Đại học Stanford, Susan Rice làm việc trong Chính phủ của Tổng thống Bill Clinton từ năm 1993-1997 với vai trò trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề châu Phi. Sau khi đắc cử năm 2008, Tổng thống Obama chọn bà Rice vào vị trí Đại sứ Mỹ tại LHQ kể từ tháng 1-2009.
Vẫn chưa rõ những thay đổi trong chính sách ngoại giao của ông Obama sắp tới là gì. Giới quan sát cho rằng, Cố vấn An ninh quốc gia mới sẽ tập trung vấn đề Syria khi Nga và Mỹ đang nỗ lực tìm kiếm giải pháp chính trị để kết thúc cuộc nội chiến nơi đây, nhưng tình hình ở quốc gia Trung Đông này khác với quốc gia Bắc Phi Libya.
VĨNH AN