.

Một dự luật sai trái, kỳ thị và thiển cận

Ngày 28-6, Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ đã thông qua Dự luật nhân quyền Việt Nam (HR 1897) do hai nghị sĩ Ed Royce - Đảng Cộng hòa (bang California) và Chris Smith - Đảng Cộng hòa (bang New Jersey) khởi xướng. Dự luật HR 1897 còn phải chờ đưa ra Hạ viện xem xét vào tháng 10 tới, và nếu được thông qua ở Hạ viện thì mới trình lên Thượng viện. Tuy nhiên, các dự luật tương tự trước đó của Hạ viện Mỹ đệ trình đã nhiều lần bị Thượng viện nước này bác bỏ.

Những vấn đề mà Dự luật HR 1897 nêu ra đã phản ánh một cách phiến diện, sai trái, không khách quan về vấn đề tự do, dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo tại Việt Nam. Bởi những gì mà Nhà nước Việt Nam thực hiện kể từ sau ngày kết thúc cuộc chiến tranh đến nay đều hướng tới một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh; từng bước thực hiện xóa đói, giảm nghèo; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho đồng bào có đạo và không có đạo được tự do tín ngưỡng.

Các số liệu được đưa ra trong cuộc tọa đàm về tự do tôn giáo do Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ tổ chức ngày 20-6 vừa qua ở Washington cho thấy, số người theo tôn giáo đã tăng từ 22 triệu lên 25 triệu chỉ trong vòng 2 năm qua, trong khi số tôn giáo được công nhận đã tăng từ 6 lên 13 trong vòng 8 năm. Rất nhiều tôn giáo có đại diện trong MTTQ và Quốc hội góp phần củng cố chính sách đại đoàn kết dân tộc. Việt Nam luôn cố gắng xây dựng luật pháp về tôn giáo phù hợp với thông lệ quốc tế, trong trường hợp có xung đột giữa luật trong nước và quốc tế thì áp dụng các điều luật quốc tế mà Việt Nam đã ký.

Phát biểu tại cuộc đối thoại, TS Chris Seiple - Chủ tịch Viện Can dự Toàn cầu (IGE), một tổ chức phi chính phủ Mỹ đang hoạt động tại Việt Nam, đánh giá cao những tiến triển về tự do tôn giáo tại Việt Nam đã nêu rõ: “Tại khu vực Tây Bắc đã có hơn 300 nhà thờ được đăng ký và con số này tại Tây Nguyên là hơn 2.000. Ngay trong tuần này, một chủng viện Tin lành đã lần đầu tiên được đăng ký tại Việt Nam. Lần đầu tiên kể từ năm 1975, Chính phủ Việt Nam sẽ tài trợ 150.000 USD cho công tác nghiên cứu về vấn đề tôn giáo và pháp quyền. Chúng tôi đồng hành với những gì Chính phủ và nhân dân Việt Nam đang thực hiện. Nếu không có những quyết định tích cực của Việt Nam thì chúng tôi sẽ không thể hoạt động tại đây”.

Thế nhưng, Dự luật HR 1897 đã bám theo những thông tin lỗi thời, sai sự thật để chắp nối cho mục đích không thân thiện, nhằm cản trở công cuộc xây dựng và phát triển của đất nước Việt Nam, cũng như tiến trình hội nhập quốc tế. Một ví dụ cụ thể cho thấy, phần 2 của Dự luật HR 1897, trong mục Các dự liệu và mục đích (số 14) nêu: “Vào tháng 5-2010, làng Cồn Dầu, một giáo xứ ở thành phố Đà Nẵng, đã đối mặt với tình trạng bạo lực leo thang trong một đám tang khi Công an cố gắng ngăn cấm một lễ mai táng theo nghi thức tôn giáo ở nghĩa trang của làng; hơn 100 dân làng đã bị thương, 62 người bị bắt giữ, 5 người bị đánh đập và có ít nhất 3 người chết” (!?). Điều này là xuyên tạc hoàn toàn thực tế tại Đà Nẵng lúc bấy giờ. Dù rằng sự việc diễn ra đã lâu, nhưng thời gian qua, chính quyền thành phố Đà Nẵng đã tạo điều kiện thuận lợi để đại diện Sứ quán Mỹ tại Việt Nam, cũng như một số nghị sĩ, các nhà hoạt động xã hội Mỹ đến tìm hiểu tình hình thực tế tại Cồn Dầu. Qua những gì mắt thấy tai nghe thực tế tại Cồn Dầu là chính quyền thành phố tiến hành quy hoạch, xây dựng khu du lịch sinh thái, sắp xếp dân cư, ổn định cuộc sống cho người dân ngày càng tốt hơn. Còn vụ việc gọi là “đàn áp tôn giáo” thực chất là hành động quá khích của một số người cố tình chống lại chủ trương của chính quyền, đã vi phạm pháp luật, gây rối trật tự công cộng chứ không hề có chuyện đàn áp tôn giáo như một số phương tiện truyền thông của Mỹ và phương Tây đã xuyên tạc.

Cách đây gần hai năm - năm 2011 - nhân 100 năm Ngày Tin Lành đến Việt Nam, thì tại Đà Nẵng đã diễn ra lễ kỷ niệm trang trọng thu hút gần 3 vạn đồng bào các hệ phái Tin Lành từ khắp mọi miền đất nước, các vị khách quốc tế tham dự. Mọi người rất hài lòng về sự an toàn, bình yên, sự tôn trọng của chính quyền và cộng đồng cư dân của thành phố trong những ngày diễn ra sự kiện này. Nếu đó không phải là sự tự do tôn giáo thì là cái gì vậy?

Nhưng Dự luật HR 1897 vẫn bám giữ cách nhìn kỳ thị, cổ hủ đối với một nước Việt Nam đang nỗ lực đổi mới và hội nhập quốc tế.

Đúng như Luật sư Lauren Homer đã phát biểu trong tọa đàm về tự do tôn giáo được Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ tổ chức ngày 20-6 vừa qua tại Washington: “Cách đây 18 năm, tôi đến Việt Nam để thảo luận về một dự án dinh dưỡng cho trẻ em và có cơ hội đi thăm rất nhiều làng xã quanh khu vực Hà Nội. Khi đó, lương thực cũng như các điều kiện y tế, giáo dục còn rất thiếu thốn, và hầu như không có sự hiện diện của các tổ chức tôn giáo hay phi chính phủ nước ngoài nào. Một số hội thánh chính thức được thành lập ở các đô thị lớn nhưng không có nhiều hoạt động. Nhìn lại thời điểm đó, chúng ta mới thấy Việt Nam đã có bước tiến vượt bậc trong mọi lĩnh vực. Người ngoài cuộc khó có thể hình dung được Việt Nam thiếu thốn các nguồn lực như thế nào để có thể giải quyết biết bao vấn đề như vậy. Chính vì thế mà tôi muốn được chúc mừng những thành tựu của Việt Nam trong vấn đề tôn giáo và chính sách tôn giáo”.

Việc xây dựng một Nhà nước pháp quyền, không ngừng chăm lo cuộc sống cả về vật chất lẫn tinh thần cho các tầng lớp nhân dân là mục tiêu nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Đây là quá trình phấn đấu đầy khó khăn, gian khổ, đòi hỏi sự chung tay góp sức của toàn xã hội cũng như sự cổ vũ, giúp đỡ của cộng đồng quốc tế. Trải qua cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam rất trân trọng những đóng góp mang tính xây dựng để ngày càng hoàn thiện hơn; nhưng đồng thời cũng kiên quyết chống lại mọi âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch trong và ngoài nước, cố tình xuyên tạc sự thật để phục vụ cho những toan tính đen tối làm cản trở công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế của Việt Nam. Vì thế, HR 1897 là một dự luật sai trái, kỳ thị và lỗi thời, không chỉ làm tổn hại đến lợi ích của nhân dân Việt Nam, mà còn làm tổn hại đến lợi ích của cả nhân dân Mỹ và uy tín của chính những người thông qua nó.

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.