Những ngày qua, cái tên Edward Snowden, cựu nhân viên Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) được nhắc đến thường xuyên trên các phương tiện truyền thông thế giới. Snowden chính là người tiết lộ những bê bối nghe lén tuyệt mật của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA). Cơ quan mật vụ Mỹ so sánh “vụ Snowden” với vụ đào tẩu của các nhân viên mật mã NSA là William Martin và Mitchell Bernon năm 1960. Họ đã tiết lộ nhiều phần mềm gián điệp Mỹ. Cho đến nay, NSA coi vụ này là thất bại nặng nề nhất trong lịch sử cơ quan mật vụ. Vụ Snowden có thể còn vượt qua vụ Martin và Mitchell rất nhiều lần.
Những tiết lộ của Snowden về chương trình nghe trộm PRISM đã gây những tranh cãi khắp thế giới. Snowden cung cấp thêm cho cộng đồng quốc tế có cái nhìn sâu hơn (nhưng không quá bất ngờ) về nỗi ám ảnh tình báo của Chính phủ Mỹ. Theo các tài liệu do Snowden tiết lộ, NSA thực hiện giám sát điện tử đại quy mô đối với liên lạc điện thoại và Internet của chính công dân Mỹ. Không chỉ vậy, NSA còn mở rộng hoạt động theo dõi sang các đồng minh châu Âu của mình, và nói chung là... toàn thế giới.
Vụ Snowden càng cho thấy, cùng với quân đội, bộ máy tình báo tiếp tục là công cụ biểu hiện tập trung lợi ích của nước Mỹ, chính xác là giới tư bản Mỹ. Nói cách khác, cả quân đội lẫn tình báo Mỹ đều được chính trị hóa cao.
Dư luận Mỹ cho rằng vụ việc mà Snowden tiết lộ đã nói lên tất cả về sự xâm phạm quyền của con người một cách thô bạo. Những người chỉ trích nước này bày tỏ, hoạt động cơ quan tình báo Mỹ đe dọa tới việc bảo vệ quyền riêng tư của công dân và vượt khỏi giới hạn của những luật lệ của nước Mỹ .
Không những vậy, nhiều quốc gia khác, đặc biệt là chính các quốc gia đồng minh chủ chốt của Mỹ cũng nằm trong tầm giám sát, nghe lén của cơ quan tình báo Mỹ. Tạp chí Der Spiegel của Đức dựa trên tài liệu của Snowden cho biết, NSA đã xâm nhập tới nửa tỷ cuộc gọi, email và tin nhắn ở Đức mỗi tháng, và trên phương diện tình báo, phía Mỹ coi Đức cùng hạng với các mục tiêu như Trung Quốc, Iraq hay Saudi Arabia. Chính điều này khiến Bộ trưởng Tư pháp Đức Sabine Leutheusser-Schnarrenberger phải thốt lên: “Thật ngoài sức tưởng tượng, bạn bè Mỹ của chúng ta lại coi châu Âu như kẻ thù vậy”?!
Vụ việc đã khiến quan hệ đồng minh giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) dậy sóng. Tuyên bố của Ủy ban châu Âu đưa ra sau khi Cao ủy Tư pháp EU Viviane Reding cho biết, liên minh này sẽ không đàm phán FTA với Mỹ nếu như phát hiện đối phương có hoạt động gián điệp trong phòng đàm phán. Bà Reding cho rằng hành động này không thể chấp nhận được. Trong khi đó, hai nhà lãnh đạo đảng Xanh trong Nghị viện châu Âu là Rebecca Harms và Daniel Cohn-Bendit kêu gọi điều tra khẩn cấp về những cáo buộc gián điệp được đăng tải trên báo chí châu Âu, đồng thời yêu cầu tạm dừng đàm phán FTA với Washington.
Mỹ được ví là đất nước “tự do”, thế nhưng đã có cả cộng đồng tình báo gồm tới 16 cơ quan tình báo khác nhau, theo dõi toàn diện cả trong lẫn ngoài nước. Ngân sách cho cộng đồng tình báo này không hề nhỏ chút nào. Riêng cái tên CIA đã trở thành thương hiệu toàn cầu của Mỹ bên cạnh Gestapo của phát-xít Đức trước đây.
Mặc dù ra đời muộn hơn rất nhiều so với mật vụ Gestapo của Đức nhưng CIA nhanh chóng trở nên khét tiếng về quy mô hoạt động và mức độ can thiệp vào tình hình chính trị của nhiều quốc gia trên thế giới. Đội ngũ của CIA không chỉ bao gồm các nhà phân tích và điệp viên, mà còn gồm các đơn vị bán quân sự, các đội ám sát, và các cố vấn. Từ khi ra đời, CIA trực tiếp tham gia thiết kế, chỉ đạo và hỗ trợ hàng loạt các vụ đảo chính lật đổ chính quyền cánh tả ở nhiều nơi trên thế giới. Không những vậy, các chuyên gia CIA còn huấn luyện các lực lượng phản động về kỹ năng và chiến thuật đàn áp phong trào cánh tả và cách mạng ở Nam Mỹ và Đông Nam Á.
Một minh chứng cụ thể nhất là hoạt động của CIA trong chiến tranh Việt Nam trước đây. Cơ quan tình báo Mỹ đã dùng nhiều thủ đoạn để dựng nên chế độ bù nhìn và khát máu Ngô Đình Diệm nhằm đàn áp nhân dân Việt Nam và chia cắt lâu dài đất nước này. Nhưng khi ông Diệm tỏ ra bất lực trong việc “ổn định” tình hình miền Nam Việt Nam, CIA đã không ngại “thay ngựa giữa dòng”, xúc tác cho một cuộc đảo chính quân sự lật đổ và giết chết anh em Diệm-Nhu.
Ấy vậy mà trên thực tế lâu nay, không ít các tổ chức quốc tế, một số phương tiện truyền thông và các nhân vật mệnh danh là “nhà tranh đấu cho dân chủ, nhân quyền” không ngớt lời ca tụng, coi Mỹ và phương Tây là đỉnh cao của sự tự do, dân chủ, nhân quyền, là chuẩn mực của sự tự do bất khả xâm phạm về quyền tự do của con người, thì sự tiết lộ của Snowden đã đi ngược lại tất cả.
Hơn thế, hằng năm, Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn hay bình phẩm về tự do, nhân quyền, tôn giáo ở các nước khác, hay các dự thảo luật của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ lên án nước này nước nọ vi phạm nhân quyền, không có tự do, dân chủ thì chỉ có giá trị... để dư luận tham khảo mà thôi.
Ở một khía cạnh khác không kém phần quan trọng đối với tất cả các nước là trong “thế giới phẳng”, thông tin an ninh quốc gia đang đứng trước những thách thức vô cùng to lớn. Với sự phát triển của khoa học công nghệ và mạng Internet, thế giới trở nên “phẳng” nhưng vẫn “không phẳng” khi vẫn hiện hữu biết bao mâu thuẫn, với tình trạng cá lớn nuốt cá bé và những cuộc tấn công thôn tính vô cùng nghiêm trọng. Các cường quốc sở hữu nền tảng công nghệ thông tin mạnh với các công ty tin học tầm cỡ toàn cầu luôn chiếm thế “thượng phong” trong “cuộc chơi” này. Họ đã cố tình uy hiếp, khống chế, chi phối trên nhiều lĩnh vực, trong đó có thông tin để làm cho dư luận hiểu sai đi bản chất sự thật của vụ việc hay tình hình thực tại ở một quốc gia nào đó mà họ đang nhắm tới để can thiệp phục vụ cho những lợi ích đen tối của mình.
Cho nên, từ những thông tin mà Snowden tiết lộ sẽ là bài học quý giá cho chúng ta trong quá trình hội nhập và phát triển để không được mơ hồ, mất cảnh giác trước mối đe dọa nói trên.
TUYẾT MINH