Trong lúc này, tưởng như các đe dọa khủng bố của Al-Qaeda ở Trung Đông và Bắc Phi mới là điều đáng lo ngại nhất đối với Mỹ thì Tổng thống Barack Obama bất ngờ tuyên bố hủy bỏ cuộc hội đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin vào đầu tháng 9 tới, bên lề Hội nghị Thượng đỉnh 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở Mátxcơva.
Sự rạn nứt trong quan hệ Mỹ - Nga xung quanh vụ Mátxcơva cấp tị nạn cho cựu nhân viên Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Edward Snowden là điều được dự báo. Nhưng quyết định của Tổng thống Obama vẫn được cho là bất ngờ, thậm chí là hành động trả đũa ngoại giao, bởi đi ngược lại những nỗ lực của ông suốt 5 năm qua nhằm cài đặt lại mối quan hệ với Nga; và cũng trái với các tuyên bố mà ông chủ Nhà Trắng từng đưa ra rằng, vụ Snowden không làm ảnh hưởng quan hệ giữa Washington và Mátxcơva. Xem ra, “điều đó đã là quá khứ” - theo cách nói của ông Obama - lại không phải hoàn toàn đúng như vậy.
Lý do được Washington viện dẫn để hủy bỏ cuộc gặp là không nhìn thấy “sự tiến bộ đầy đủ trong quan hệ với Nga” để tiến hành Hội nghị Thượng đỉnh vào đầu tháng 9. Song thực chất, ông Obama đang thể hiện sự bất mãn với Điện Kremlin vì đã dung túng cho “kẻ tội đồ” của Mỹ, người đã tiết lộ chương trình giám sát điện thoại và Internet gây chấn động dư luận.
Đến nay, Nga vẫn từ chối dẫn độ Snowden theo yêu cầu của Mỹ. Nhưng Điện Kremlin cho rằng, hành động này xuất phát từ việc chính Washington từ chối ký hiệp định dẫn độ với Mátxcơva. Sự thất vọng về một “Washington không sẵn sàng cho quan hệ song phương cân bằng” trong lúc này không làm thay đổi được quyết định của Nhà Trắng mặc dù Mỹ đang rất cần sự hợp tác của Nga trong hàng loạt vấn đề: chương trình hạt nhân Iran, khủng hoảng ở Syria…
Tuy nhiên, xem xét cụ thể, sâu xa của vấn đề, thì quyết định hủy bỏ hội đàm thượng đỉnh với Nga phản ánh sự lúng túng của Mỹ trong vụ việc Snowden, mặc dù việc hủy bỏ các chuyến thăm cấp cao không phải chưa từng xảy ra giữa hai cường quốc này.
VĨNH AN