.

Từ một phán quyết

Việc cựu Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak được phóng thích vào tối 22-8 (giờ địa phương) được cho là không làm thay đổi bức tranh chính trị ở đất nước đang chìm trong khủng hoảng bởi bạo lực và mâu thuẫn của hệ tư tưởng.

Các cáo buộc tham nhũng không “làm khó” được ông Mubarak, khi đã qua thời hạn giam giữ tối đa trước khi diễn ra phiên tòa xét xử về tội danh này (ông đã bị giam hơn 2 năm, từ tháng 4-2011). Tuy nhiên, người từng nắm quyền ở Ai Cập suốt 30 năm sẽ bị quản thúc tại gia để tránh làm tình hình vốn đã và đang rối ren lại trở nên phức tạp thêm. Ông Mubarak còn bị cấm đi ra nước ngoài, bởi cựu Tổng thống 85 tuổi này phải ra tòa án phúc thẩm, dự kiến vào ngày 24-8 tới, về một cáo buộc khác liên quan đến việc sát hại những người biểu tình. Trong phiên sơ thẩm hồi năm ngoái, ông bị tuyên án chung thân vì tội không ngăn chặn việc giết hại hơn 1.000 người biểu tình trong cuộc cách mạng Mùa Xuân Arab.

Ông Gamal Zahran, người đứng đầu khoa Khoa học chính trị tại Đại học Port Said, cho rằng với tuổi tác và các thủ tục về mặt luật pháp, việc phóng thích ông Mubarak không làm thay đổi được tình hình thực tại ở Ai Cập. Tuy nhiên, theo ông Zahran, động thái của tòa án chỉ mang “thông điệp tiêu cực cho xã hội” bởi ông Mubarak vốn bị cho là lạm dụng quyền lực để tham nhũng. Hơn nữa, khi ông rời nhà tù Tora thì các nhà lãnh đạo của Tổ chức Huynh đệ Hồi giáo vẫn bị giam giữ tại đây.

Số phận của ông Mubarak cũng như của Tổng thống vừa bị lật đổ Mohammed Mursi là câu hỏi được đặt ra. Và dù không có tương lai chính trị nữa, ông Mubarak vẫn là nhân vật gây chú ý ở Ai Cập. Lý giải điều này, ông Samir Ghatas - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính trị Maqdes có trụ sở ở Cairo - cho rằng, việc phóng thích ông Mubarak sẽ khuấy động thêm bất ổn.

Trong khi đó, nhà phân tích chính trị Nabil Zaki nhận định: Chính quyền Mubarak là một trang sử của Ai Cập và ảnh hưởng của nó vẫn kéo dài. Khi các cuộc biểu tình trên đường phố của Tổ chức Huynh đệ Hồi giáo vẫn tiếp diễn, lực lượng còn sót lại của chế độ Mubarak có thể sẽ trỗi dậy khôi phục chính quyền cũ, xóa bỏ cơ hội của phe Hồi giáo - vốn ủng hộ ông Mohammed Mursi.

VĨNH AN
 

;
.
.
.
.
.