.

Cơ hội lịch sử của Iran

Ông Mohammad Javad Zarif là Ngoại trưởng đầu tiên của Iran trong nhiều năm qua ngồi vào bàn nghị sự cùng những người đồng cấp, gồm 5 nước thành viên Thường trực Hội đồng Bảo an LHQ (Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga, Mỹ) và Đức, vào ngày 26-9 tại New York để bàn thảo về chương trình hạt nhân gây nhiều tranh cãi của Tehran.

Tuy phái đoàn Iran chỉ tham dự một phần cuộc đàm phán do Cao ủy về chính sách ngoại giao của LHQ Catherine Ashton chủ trì, nhưng đây cũng là cơ hội hiếm hoi của Tehran, để nước này tháo gỡ sự đối đầu căng thẳng với phương Tây, giảm áp lực về kinh tế. Hơn nữa, sự kiện này cũng là cơ hội đầu tiên để Iran thực hiện giải pháp của tân Tổng thống Hassan Rowhani - người mới nhậm chức hồi tháng 8 vừa qua. Chính ông Rowhani gọi đây là “cơ hội lịch sử” khi cả ông lẫn Tổng thống nước chủ nhà Barack Obama đều khẳng định sẵn sàng giải quyết vấn đề hạt nhân. Tuy nhiên, không thể phủ nhận cả hai nhà lãnh đạo này hiện vẫn có những quan điểm khác biệt.

Với Tổng thống Obama, cơ sở duy nhất để có một “thỏa thuận ý nghĩa” là cam kết của người đồng cấp Rowhani rằng Iran sẽ không bao giờ chế tạo bom hạt nhân. Nhưng ông và các quan chức khác của Mỹ đều nói rằng, Iran phải thể hiện cam kết bằng hành động, chứ không phải bằng lời nói.

Trong lúc này, Tổng thống Rowhani vẫn nhấn mạnh, Iran tuyệt nhiên không phải là mối đe dọa đối với thế giới, đồng thời chỉ trích các biện pháp cấm vận của quốc tế nhằm vào nước ông. Vì vậy, còn quá sớm để nói về việc Iran với các cường quốc sẽ đạt được thỏa thuận về chương trình hạt nhân trong vòng 3 tháng hay 6 tháng tới, như kỳ vọng của ông Rowhani.

Mối quan hệ ngoại giao giữa Iran và P5+1 đang được thử thách, dẫu có những tín hiệu mới, khác với thời của Tổng thống cứng rắn Mahmoud Ahmadinejad. Nhưng dù sao thì vẫn phải chờ Iran hành động, chứ không phải chỉ bằng lời nói.

VĨNH AN

;
.
.
.
.
.