Theo lệnh của Tổng thống Barack Obama, hôm nay (20-9), nước Mỹ mới chấm dứt việc treo cờ rủ để tưởng nhớ các nạn nhân trong vụ xả súng tại căn cứ Hải quân Navy Yard ở thủ đô Washington làm 12 người thiệt mạng. Tuy nhiên, dư âm của nó vẫn là câu hỏi lớn cho công luận nước Mỹ, cũng như dư luận trên thế giới về kiểu “tự do dùng vũ khí tấn công” ở quốc gia này.
Vụ tấn công tiếp tục làm dấy lên tranh cãi về kiểm soát súng đạn tại Mỹ và dư luận lại đặt câu hỏi liệu vấn đề có một lần nữa bị rơi vào quên lãng hay không. Tuyên bố đưa ra một ngày sau vụ xả súng đẫm máu, Tổng thống Obama kêu gọi Quốc hội Mỹ “làm sống lại” dự thảo cải cách luật kiểm soát súng đạn. Nhưng liệu lời kêu gọi này có đáp ứng được không?
Hiện có khoảng 270 triệu khẩu súng đang nằm trong tay công dân Mỹ, đưa nước này vọt lên đầu bảng các quốc gia có tỷ lệ người dân sử dụng súng cao nhất thế giới. Theo thống kê của cơ quan Tư pháp liên bang Mỹ, từ năm 2010 đến nay, bình quân ở Mỹ tháng nào cũng xảy ra các vụ nổ súng tấn công vào đám đông, nhất là ở trường học, nơi công cộng hoặc chống lại người thi hành công vụ, làm nhiều người chết và bị thương. Một tổ chức vận động hành lang chống sử dụng súng cho biết, việc sở hữu súng dễ dàng là một trong những nguyên nhân khiến hơn 300.000 người chết/năm.
Trước đó, vụ xả súng ở thị trấn Newtown, bang Connecticut ngày 14-12-2012 làm 20 trẻ em và người lớn bị thiệt mạng. Tổ chức chống sử dụng súng The Brady Campaign lên tiếng: “Tất cả con em chúng ta có quyền trưởng thành trong môi trường hoàn toàn không có sự đe dọa của bạo lực súng”. Trong khi đó, NRA - tổ chức ủng hộ súng lớn nhất nước Mỹ, với gần 5 triệu thành viên - phát biểu: “Chúng tôi sẽ không bình luận gì thêm cho đến khi tất cả mọi tình tiết được làm rõ”.
Để ngăn chặn hành động này, các đời Tổng thống Mỹ trước đây cũng ra tay ngăn chặn nhưng lực bất tòng tâm. Năm 2004, Tổng thống G.W.Bush cho biết, ông có thể kéo dài thêm thời hạn áp dụng luật cấm bán súng bán tự động và băng đạn loại lớn trong một đạo luật phòng chống tội phạm do người tiền nhiệm Bill Clinton thông qua vào năm 1994, nhưng cuối cùng giới nghị sĩ Cộng hòa đã phớt lờ, cố tình để đạo luật trên đi hết hạn thực thi.
Một trong những lý do khiến ông Al Gore thất cử trong chiến dịch bầu cử Tổng thống năm 2000 là chủ thuyết chống súng của ông. Khoảng 48% cử tri thời điểm đó là những người sở hữu vũ khí (so với 37% năm 1996); và trong số những người sở hữu súng, 61% đã bỏ phiếu cho ông G.W.Bush.
Thực tế, nước Mỹ chưa bao giờ và khó có thể ngả ngũ việc kiểm soát vũ khí. Năm 2011, thăm dò do Pew tổ chức sau vụ ám sát hụt nghị sĩ Gabrielle Giffords (làm chết 6 người) cho thấy, 49% người Mỹ nói rằng, “việc bảo vệ quyền sở hữu súng đối với người Mỹ là quan trọng hơn”, trong khi có 46% nói rằng, “việc kiểm soát sở hữu súng là quan trọng hơn”.
Thăm dò vào tháng 8-2012 do CNN/ORC International thực hiện sau vụ thảm sát tại một rạp hát ở Aurora (bang Colorado) cho biết, có đến 76% ý kiến được hỏi tin rằng “nên hạn chế việc sở hữu súng”. Cá nhân Tổng thống Barack Obama từng tỏ ra ủng hộ việc kiểm soát sở hữu vũ khí khi ông đề cập vấn đề này trong cuộc bầu cử năm 2008, nhưng sau đó lại né tránh trong suốt nhiệm kỳ một. Thậm chí, 2 tháng sau sự kiện ám sát nghị sĩ Gabrielle Giffords vào tháng 1-2011, ông mới viết một bài bình luận thừa nhận sự quan trọng của Tu chính luật thứ hai!
Giới ủng hộ súng tất nhiên có lý lẽ riêng không phải thiếu tính thuyết phục. Năm 1991, khi Suzanna Gratia Hupp - nguyên nghị sĩ Đảng Cộng hòa tại Hạ viện cấp bang Texas, gương mặt nổi tiếng toàn cầu về ủng hộ súng cho tự vệ cá nhân - đang ăn tối cùng bố mẹ, tên sát nhân George Hennard bất ngờ đâm sầm chiếc xe tải vào cửa sổ tiệm Luby’s Cafeteria. Vừa thấy bố Hupp, hắn bắn thẳng vào ngực ông. Khi mẹ Hupp bò đến nâng thi thể chồng, Hennard giết luôn người phụ nữ 47 tuổi này. Hupp hốt hoảng thọc tay vào ví tìm khẩu 38 Smith & Wesson nhưng nhận ra rằng, mình đã bỏ nó trong cốp xe hơi bởi không thể mang súng ở nơi công cộng, theo luật Texas thời điểm đó. Thế là Hupp chết lặng nhìn cảnh bố mẹ bị giết. Sau đó, bà tung ra cuộc chiến cho luật CCW.
Hiện nay, nước Mỹ có 38 bang cấm mang súng vào trường trung học và 16 bang cấm mang vũ khí vào đại học, nhưng luật nhìn chung vẫn lỏng lẻo và không nhất quán. Đại học Utah vừa thất bại trong cuộc chiến với bộ máy tư pháp bang Utah quanh việc cấm mang súng vào trường (Hội đồng tư pháp bang nói rằng, họ phải tuân theo luật bang, có nghĩa là được quyền mang súng có giấy phép).
Trong khi đó, các nhóm vận động hành lang cho những tổ chức ủng hộ súng vẫn hoạt động sôi nổi và thậm chí thành công trong việc thúc đẩy áp dụng luật “Học thuyết Lâu đài”, mang nội dung rằng, chủ nhà được quyền bắn kẻ xâm nhập. 16 bang đang áp dụng luật “Học thuyết Lâu đài” và 8 bang đang xem xét. Tại Texas, tháng 3-2007, chính quyền địa phương đã áp dụng luật mới, không chỉ cho phép chủ bất động sản bảo vệ nhà mình bằng súng mà cả xe cộ và nơi làm việc.
Năm 2008, Tối cao Pháp viện Mỹ lần đầu tiên khẳng định, Tu chính luật thứ hai nhằm bảo vệ quyền sở hữu súng của các cá nhân. Tháng 6-2010, lần thứ hai Tối cao Pháp viện Mỹ lại phán với nội dung tương tự...
Để ngăn chặn đà gia tăng tội phạm do súng đạn, đầu năm 2013, Tổng thống Obama cũng ban hành 23 sắc lệnh nhằm hạn chế tình trạng bạo lực liên quan đến súng đạn nhưng việc thực thi nó đầy đủ và nghiêm ngặt lại không hề dễ dàng, khi xã hội Mỹ còn thiếu những nhà lãnh đạo sẵn sàng cải cách và sự chống đối từ nhóm chính trị gia có lợi ích liên quan đến hiệp hội súng đạn, có sức ảnh hưởng mạnh mẽ tới giới chính khách Mỹ.
Với những quan điểm và thái độ như thế, có thể thấy, vấn đề hạn chế sở hữu vũ khí tại Mỹ là điều khó có thể thực hiện và việc cấm tuyệt đối sử dụng lại càng không thể. Do vậy, những bi kịch thảm khốc như ở Newtown hay Navy Yard… vừa qua sẽ khó lòng chấm dứt.
Không ít nhà bình luận quốc tế cho rằng “sự tự do” sở hữu súng đạn là nỗi ám ảnh đầy lo sợ ở nước Mỹ hiện nay!
TUYẾT MINH