.

Gió xoay chiều

Việc cựu Thủ tướng Ý Silvio Berlusconi bất ngờ tuyên bố quay lại ủng hộ chính phủ của Thủ tướng Enrico Letta đã cứu nhà lãnh đạo đương nhiệm một bàn thua trông thấy. Sóng gió trên chính trường Ý tạm ngưng khi ông Letta vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm ở Quốc hội ngày 2-10, từ đó tránh được việc phải tổ chức tổng tuyển cử sớm.

Theo Tân Hoa xã, hiện chưa rõ điều gì đã làm ông Berlusconi thay đổi quan điểm, khi ngay trước thềm bỏ phiếu tín nhiệm, vị cựu Thủ tướng này vẫn tuyên bố không hợp tác với ông Letta nữa và muốn một cuộc bầu cử “càng sớm càng tốt”.

Khủng hoảng bắt đầu khi ông Berlusconi yêu cầu 5 Bộ trưởng thuộc Đảng Nhân dân Tự do (PDL) rút khỏi nội các, khiến liên minh cầm quyền đổ vỡ. Song, không hẳn nguyên nhân bắt nguồn từ sự bất đồng về chính sách thuế mà do cựu Thủ tướng Berlusconi bị cáo buộc gian lận thuế nên Thượng viện muốn loại ông ra khỏi Quốc hội.

“Nước Ý cần một chính phủ có thể tiến hành những cải tổ thể chế và cơ cấu. Chúng tôi đã quyết định bỏ phiếu tín nhiệm”. Tuyên bố như vậy của ông Berlusconi chỉ là lời lẽ hoa mỹ giải thích cho việc đột ngột “xoay chiều”.

Hơn ai hết, có lẽ ông Berlusconi hiểu rõ tình thế bất lợi của mình khi kế hoạch đánh sập chính phủ lại làm chính ông bị cô lập. Nhiều nghị sĩ của PDL cam kết ủng hộ ông Letta. Còn người dân thì không hề muốn sự bất ổn và cũng không muốn cuộc tổng tuyển cử nào khác nữa. Sự sụp đổ của chính phủ Ý sẽ tác động đáng kể đến khối các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu (eurozone). Ý là nền kinh tế lớn thứ ba trong khối eurozone và có nợ công khoảng 2.000 tỷ euro - mức nợ công cao nhất châu Âu, tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 8-2013 ở mức 12,2% (so với mức 12,1% của tháng 7).

Vì vậy, sự ổn định chính trị là yếu tố sống còn để Ý tiếp tục thực hiện cải cách kinh tế nhằm vượt qua cuộc suy thoái kinh tế kéo dài nhất trong 20 năm qua. Đó cũng là điều mà người dân Ý cần, chứ không phải là ý muốn cá nhân của một người để tạo ra hệ lụy to lớn cho cả đất nước.

VĨNH AN
 

;
.
.
.
.
.