Vấn đề Trung Đông luôn là tâm điểm chú ý của dư luận thế giới trong nhiều thập niên qua. Đây là nơi có nguồn tài nguyên dầu lửa phong phú, có vị trí chiến lược quan trọng, nên các cường quốc tập trung tranh giành vị thế. Đó cũng là một trong những nguyên nhân căn bản biến Trung Đông thành “chảo lửa” chiến tranh, xung đột sắc tộc, tôn giáo và cả khủng bố. Hiện hữu của tình hình phức tạp tại khu vực này là xung đột Palestine - Israel, vấn đề hạt nhân của Iran và cuộc nội chiến ở Syria…
Đối với xung đột Palestine - Israel, kể từ khi có Hiệp định hòa bình Oslo đến nay hơn 10 năm, vẫn giậm chân tại chỗ, khi các cường quốc đều ra tay và các bên liên quan chưa giải tỏa được những bất đồng căn bản về sự trở về của người Palestine, việc Israel chiếm đóng các vùng đất của người Arab và quyền về một Nhà nước Palestine độc lập tồn tại bên cạnh Nhà nước Do Thái. Qua các đời Tổng thống Mỹ như: Bill Clinton, G.W.Bush và nay là Barack Obama hứa hẹn nhiều điều nhưng vẫn không thuyết phục được đồng minh số 1 của mình là Israel thực hiện cam kết “đổi đất lấy hòa bình”. Vì vậy, cuộc xung đột Palestine - Israel vẫn là câu hỏi lớn cho chính quyền Washington.
Trong khi đó, vấn đề Syria đã bắt đầu có những tín hiệu tích cực khi Nga, đồng minh quan trọng của Damascus, đưa ra một phương án “giải nguy” khá thú vị, góp phần nhanh chóng tháo ngòi nổ chiến tranh trên quy mô lớn do Mỹ và các đồng minh chuẩn bị cận kề, đó là “giải giáp kho vũ khí hóa học của Syria”.
Phương án “giải nguy” đã nâng vị thế Nga trên thế giới, được các nhà quan sát quốc tế đánh giá là “độc đáo”, vì giúp các bên liên quan không mất thể diện khi không tiến hành chiến tranh cũng như tránh được một cuộc chiến tranh không cần thiết. Tất nhiên, giải giáp kho vũ khí hóa học của Syria là chuyện không đơn giản, vì nó cần tới thời gian, tiền bạc và điều quan trọng nhất là sự thật tâm của các bên. Nhưng dẫu sao, đến giờ phút này, căng thẳng đã giảm đáng kể và đang có những bước đi khích lệ để hướng tới một Syria không có vũ khí hóa học, từng bước kiến tạo nền hòa bình thịnh vượng cho quốc gia này.
Nhưng có lẽ tâm điểm chú ý hiện nay lại là vấn đề hạt nhân của Iran, vì nó không chỉ liên quan giữa Mỹ, phương Tây và Nga với Tehran mà có sự liên kết với nhiều quốc gia khác ở khu vực Trung Đông, trong đó có cả Syria, Israel... Song, nhân tố cốt lõi vẫn là quan hệ “băng giá” Washington - Tehran kéo dài 40 năm qua, kể từ cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1973 ở Iran. Tổng thống Mỹ Obama từng ví von rằng, “lằn ranh đỏ” trong việc Syria sử dụng vũ khí hóa học thì không một quốc gia nào xứng đáng có nhiều “lằn ranh đỏ” hơn Iran!
Tuy nhiên, khi mới nhậm chức, tân Tổng thống Iran Hassan Rowhani đã gửi thông điệp lạc quan đến với Mỹ và phương Tây. Mới đây, ông có bài diễn văn mang tính hòa dịu về vấn đề hạt nhân của nước này trước Đại hội đồng LHQ. Trước khi rời Mỹ về nước, ông cũng có cuộc điện đàm với Tổng thống Obama, và kỳ vọng sẽ giải quyết vấn đề hạt nhân trong thời gian từ 3-6 tháng. Hàng loạt động thái của các nhà ngoại giao Iran, Mỹ, Anh Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức với việc thống nhất tổ chức đàm phán vào ngày 15 và 16-10 tới tại Geneva (Thụy Sĩ) đang mở ra nhiều hy vọng làm “tan bang” trong quan hệ Tehran với phương Tây.
Những diễn biến đó có tác động đa chiều với cả những phản ứng tích cực lẫn tiêu cực. Ba ngày sau cuộc điện đàm giữa hai Tổng thống Mỹ - Iran, ngày 1-10, Thủ tướng Israel có mặt tại Nhà Trắng để tham vấn, bày tỏ lo ngại sự ấm lên quan hệ Washington - Tehran.
Còn tờ Libération (Pháp) nhận định về phản ứng của phía Israel về hành động của Mỹ với Iran và Syria: Việc Mỹ nhượng bộ không tấn công quân sự vào Syria trong hồ sơ vũ khí hóa học đã khiến Israel không vui, rồi giờ đây Israel lại càng cảm thấy bất an khi đồng minh Mỹ có động thái thân thiện với Iran. Tờ báo này kết luận: “Không có cái bóng của Mỹ, Israel bỗng cảm thấy bị cô lập ở Trung Đông”.
Nhật báo Etemaad (Iran) cho rằng, sở dĩ tân Tổng thống Rowhani có thể đưa ra những cử chỉ cởi mở ôn hòa như vậy do nhiều yếu tố khách quan “thiên thời, địa lợi” ủng hộ ông.
Thứ nhất, ông Rohani dường như đã chiếm được niềm tin và sự ủng hộ của nhiều vị quan chức (chủ yếu là phe bảo thủ trong nước).
Thứ hai, tình hình tại Trung Đông đã có nhiều tiến triển (nhất là cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan), làm các cường quốc phương Tây thay đổi cách nhìn. Các lệnh trừng phạt nặng nhất cũng đã được áp đặt lên Iran, gây tổn thất nặng nề cho nền kinh tế và đời sống thường nhật của người dân, nhưng cũng không thể nào khiến quốc gia Hồi giáo này từ bỏ chương trình hạt nhân.
Phương Tây đã hiểu hành động yêu sách đơn phương đối với Iran để rồi áp đặt các lệnh trừng phạt không mang lại kết quả, thậm chí còn khiến nhiều trí thức phương Tây bất bình, lên tiếng phản đối chính phủ của họ rằng các lệnh trừng phạt này là vô đạo đức, vô nhân đạo và không thể nào bào chữa được.
Bởi vậy, ý định can thiệp quân sự vào Iran sẽ là điều không thể. Cuộc nội chiến tại Syria kéo dài hơn 2 năm qua đã làm suy yếu phần nào chính phủ của ông Assad, vậy mà phương Tây còn không thể tiến hành được một cuộc chiến chống lại nhà lãnh đạo này, huống chi là việc can thiệp quân sự vào Iran sẽ còn phức tạp hơn. Vì vậy, lời đe dọa của ông Obama “giải pháp quân sự vẫn luôn để trên bàn” chỉ là hành động chính trị và ngoại giao hơn là lời đe dọa thật sự.
Nhưng tờ Etemaad nhìn nhận: Dù các lệnh trừng phạt không thể nào làm Iran khuất phục nhưng người dân và nền kinh tế của quốc gia này lại phải trả một cái giá quá đắt. Do đó, người dân Iran cũng như phương Tây phải cùng nhau thoát ra khỏi ngõ cụt.
Lời nhận định trên cũng là hướng mở và bước đi tất yếu mà các cường quốc cũng nhưng các quốc gia ở Trung Đông lựa chọn để kiến tạo một nền hòa bình ổn định, bền vững cho đất nước mình, cũng như cả khu vực vốn đã chịu quá nhiều đau thương, mất mát kể từ sau Thế chiến thứ hai đến nay.
TUYẾT MINH