.

"3 không"tại Hội nghị HIV/AIDS châu Á - Thái Bình Dương

Từ ngày 18 đến 22-11, tại Bangkok (Thái Lan) diễn ra Hội nghị quốc tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương về HIV/AIDS lần thứ 11 (ICAAP-11) với sự tham gia khoảng 4.000 khách mời đến từ 22 quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương và các tổ chức quốc tế.

Hội nghị ICAAP 11 lần này được phối hợp tổ chức bởi hiệp hội phi chính phủ Thái Lan PDA (Population and Community Development Association), Bộ Y tế Thái Lan, Quỹ HIV/AIDS Thái Lan, Hội Chữ thập đỏ Thái Lan… cùng với tổ chức AIDS châu Á-Thái Bình Dương và Chương trình về HIV/AIDS Liên Hiệp Quốc (UNAIDS).

Hội nghị xác định các hướng đi mang tính cách tân mạnh mẽ nhằm định hướng các chương trình đầu tư, xây dựng chính sách và các chương trình phòng chống HIV/AIDS có hiệu quả tại khu vực. Do vậy, chủ đề chính của Hội nghị ICAAP 11 về HIV/AIDS như các định hướng mà tổ chức Liên Hiệp Quốc UNAIDS đã đề ra là “Đầu tư cho cách tân để đạt mục tiêu 3 không” 1) không có trường hợp nào bị nhiễm HIV/AIDS thêm;  2) không phân biệt đối xử với người bệnh; và 3) không có trường hợp tử vong do HIV/AIDS.

Cụ thể giảm 50% các ca mới nhiễm HIV do quan hệ tình dục không an toàn vào năm 2015, đặc biệt là trong nhóm thanh niên, người quan hệ tình dục đồng tính nam, người bán dâm; loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2015 và giảm 50% số ca tử vong ở bà mẹ bị nhiễm HIV/AIDS; giảm 50% các ca mới nhiễm HIV trong nhóm những người tiêm chích ma túy vào năm 2015, tất cả những người mới nghiện ma túy đều được dự phòng lây nhiễm HIV đúng cách.

Không còn người tử vong do AIDS là: Tất cả người nhiễm HIV đủ tiêu chuẩn điều trị đều được tiếp cận thuốc kháng virus (ARV); giảm 50% các ca tử vong do lao ở những người nhiễm HIV/AIDS vào năm 2015; những người bị nhiễm HIV và gia đình của họ đều được quan tâm đề cập trong các chiến lược quốc gia về bảo vệ con người và có thể tiếp cận được các dịch vụ chăm sóc và hỗ trợ thiết yếu.

Không còn kỳ thị và phân biệt đối xử: Đến năm 2015, làm giảm 50% số quốc gia có quy định cấm những người nhiễm HIV nhập cảnh và cư trú; không còn tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử và bạo hành giới liên quan đến HIV/AIDS.

Trong khi đó, trên thực tế, nạn dịch HIV/AIDS ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương vẫn là thách thức vô cùng nghiêm trọng đối với nước. Số liệu mới đây của LHQ cho thấy số lượng người nhiễm HIV/AIDS tại các nước ở khu vực Thái Bình Dương là ổn định lại nhưng tỷ lệ người nhiễm bệnh này lại gia tăng tại

châu Á. Cụ thể, số người nhiễm HIV và AIDS gia tăng tại Indonesia, Pakistan và Philippines nhưng đã giảm đáng kể tại Campuchia và Thái Lan.

GS David Wilson, một chuyên gia về dịch tễ học tại Viện Kirby Đại học New South Wales (Australia) cho biết mặc dù tỷ lệ đã ổn định tại khu vực Thái Bình Dương nhưng vẫn lo ngại có thể có đột biến xấu nếu không  tăng các biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn và chăm sóc điều trị những người bị nhiễm HIV/AIDS. Ông Wilson nhấn mạnh rằng các quốc gia, các tổ chức xã hội và cộng đồng quốc tế cần có hành động mạnh hơn nữa để ổn định tỷ lệ lây nhiễm HIV/AIDS trong toàn khu vực châu Á và Thái Bình Dương vì việc phòng tránh và dịch vụ chữa trị chưa đạt hiệu quả cao.

Liên quan đến các biện pháp phòng chống HIV/AIDS, gần đây các test thử nhanh ngày càng được áp dụng phổ biến hơn. Các test cho phép phát hiện HIV trong vòng vài phút, chỉ với một mẫu thử nghiệm đơn giản (nước bọt hoặc máu), có một tác dụng lớn trong việc quyết định điều trị sớm và tránh được các trường hợp lây nhiễm mới.

Bên cạnh đó, việc điều trị bằng liệu pháp kháng virus dự phòng - khi hệ miễn dịch của người nhiễm HIV chưa bị suy yếu - có thể mang lại các kết quả rất tích cực tại các nước đang phát triển, vì giảm rất mạnh nguy cơ lây nhiễm và chi phí thấp. Trong một bài báo được công bố trên tạp chí y học New England Journal of Medicine (NEJM), 31-10, việc sử dụng liệu pháp này có thể cho phép “cứu được hàng triệu sinh mạng trong thập niên tới”.

Bởi vậy, các nhà quan sát cho rằng , Hội nghị ICAAP 11 về HIV/AIDS, dù chỉ là hội nghị cấp khu vực, nhưng được coi là có quy mô lớn thứ hai, chỉ sau hội nghị HIV/AIDS thế giới, vì tại đây các đại biểu đã thảo luận, tìm ra các giải pháp hữu hiệu cho quá trình điều trị, chăm sóc, ngăn chặn và từng bước loại trừ căn bệnh thế kỷ ra khỏi đời sống của con người.

Vì từ hơn hai mươi năm nay, Hội nghị ICCAP giữ một vai trò trụ cột trong việc giúp công chúng ý thức hơn về hiểm họa HIV/AIDS, thúc đẩy việc cải thiện chính sách của các chính phủ trong lĩnh vực này, tăng cường các mạng lưới hỗ trợ và phổ biến các hiểu biết liên quan đến HIV/AIDS trong các nhóm dân cư bị lây nhiễm.

Cùng với cộng đồng quốc tế, nhất là các quốc gia ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong gần 30 năm qua Việt Nam đã nỗ lực không ngừng để ngăn ngừa căn bệnh thế kỷ này và đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Hưởng ứng mục tiêu 3 không của LHQ, Việt Nam đã chính thức chọn chủ đề cho Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2013 là: “Hướng tới không còn người nhiễm mới HIV”. Việc kiểm soát sự lây nhiễm HIV trong cộng đồng vẫn tiếp tục là một trong những mục tiêu ưu tiên của Chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030.

 TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.