.

Đấy là chiến tranh

Việc cựu nhân viên Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Edward Snowden tiết lộ thông tin Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) tiến hành do thám 35 nhà lãnh đạo các nước, trong đó có nhiều nước đồng minh, cùng hàng chục triệu công dân trên thế giới đã gây những phản ứng mạnh mẽ trong dư luận. Nhiều nước triệu đại sứ Mỹ để trao công hàm và yêu cầu giải thích, buộc chính quyền Mỹ phải chấm dứt ngay lập tức hành động do thám.

Đức và Brazil đã trình dự thảo nghị quyết lên Đại hội đồng LHQ, yêu cầu chấm dứt việc giám sát điện tử quá trớn và việc vi phạm trắng trợn cuộc sống riêng tư. Dư luận Đức đặc biệt sốc khi biết điện thoại di động của Thủ tướng Angela Merkel cũng bị Mỹ nghe lén.

Theo giới quan sát, mối quan hệ song phương Đức - Mỹ có lẽ đang rơi vào giai đoạn băng giá. Người dân Đức phát hiện ra rằng Mỹ không thật sự là bạn. Các chỉ trích Mỹ đã vượt qua cả giới hạn chính trị. Sau Đảng Xã hội - Dân chủ, một số chính khách bảo thủ bắt đầu lên tiếng yêu cầu đình chỉ các cuộc thương thuyết về trao đổi tự do mậu dịch cho đến khi nào vụ việc được làm sáng tỏ.

Bị dồn vào chân tường, Mỹ không chính thức thừa nhận nhưng đưa ra những lời biện minh cho hành động của mình là vì an ninh của đất nước và của cộng đồng quốc tế trước nguy cơ khủng bố. Mặt khác, để xoa dịu dư luận, nhất là những đồng minh chủ chốt như Đức, Pháp…, Tổng thống Barack Obama hứa sẽ kiểm soát việc hoạt động của cơ quan tình báo Mỹ ở các nước và xem xét không để tình trạng nghe lén tràn lan. Ngoài ra, Mỹ và Đức cũng đang tiến tới một thỏa thuận không có các hoạt động nghe lén lẫn nhau.

Trên phương diện khác, Nhà Trắng cũng ngầm bắn đi một thông điệp rằng châu Âu cũng nên “hạ hỏa”, bằng không họ sẽ gánh lấy rủi ro khi thấy các chương trình nghe lén của châu Âu bị tiết lộ.

Và đúng như vậy, ngày 2-11, tờ The Guardian (Anh) cho hay, các cơ quan tình báo Tây Âu cũng phối hợp làm việc trong một chương trình giám sát Internet và điện thoại có quy mô tương đương với Mỹ. Dựa trên các tài liệu mật do Snowden cung cấp, nhật báo The Guardian cho biết, châu Âu thu thập các dữ liệu được chuyển qua cáp quang hay bí mật hợp tác với các công ty viễn thông tư nhân. Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Thụy Điển và Hà Lan nằm trong số các nước mà cơ quan tình báo triển khai các phương pháp trên khi hợp tác với các cơ quan khác như tình báo Anh GCHQ. Thông tin do báo Anh đưa ra gây bối rối cho Đức và Pháp.

Tiếp đó, ngày 3-11, The Guardian (ấn bản Úc) cho hay, Úc và Mỹ cùng mở chiến dịch giám sát Indonesia nhân cuộc họp về khí hậu được LHQ tổ chức tại Bali năm 2007. Một tài liệu do Snowden tiết lộ xác định cơ quan tình báo Úc - Defence Signals Directorate (DSD) đã phối hợp với NSA để thu thập số điện thoại của các viên chức an ninh Indonesia. Dù không mấy thành công nhưng tiết lộ về chiến dịch theo dõi đó làm chính quyền Úc bối rối, nhất là vào lúc Jakarta và Canberra bất đồng về vấn đề thuyền nhân.

Những diễn biến trên cho thấy, cuộc chiến tranh mạng trên quy mô toàn thế giới đã và đang diễn ra ở nhiều cấp độ khác nhau, đặt các quốc gia trước nguy cơ bị tấn công ngày càng lớn, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới an ninh quốc gia. Các nước có nền công nghệ phát triển đã coi việc khai thác, xâm nhập các mạng dữ liệu các quốc gia khác là nhiệm vụ hàng đầu để tăng lợi thế cho mình cả về chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh - quốc phòng. Bên cạnh đó, họ còn lập ra các “lữ đoàn” an ninh mạng để kiểm soát, chiếm lĩnh thông tin, thậm chí tấn công làm sụp đổ hệ thống mạng của các nước khác.

Hiện nay, đến điện thoại, đồng hồ, xe ô-tô và nhiều loại thiết bị điện tử khác cũng được nối mạng Internet… thì những trận chiến tin học vô hình, nhưng cuộc nghe lén đó sẽ thường xuyên hơn và cũng mang tính hủy diệt cao, bởi nó thâm nhập sâu vào các cơ sở dữ liệu quốc gia, các hệ thống điện tử của cơ quan an ninh, quân đội, các thiết bị điện tử khác nhằm nắm các cuộc trao đổi thông tin từ các quan chức chính quyền đến đời sống riêng tư của công chúng hoặc tấn công làm cho nó bị tê liệt.

Tờ Le Nouvel Observateur (Pháp) số ra mới đây đã nhắc lại cuộc đối đầu giữa hai người khổng lồ nhất hành tinh: Mỹ và Trung Quốc, khi nhấn mạnh đến vai trò của đơn vị bí ẩn “61398” của Trung Quốc trong việc do thám đối thủ trên hai lĩnh vực chính là kinh tế và quân sự. Theo nhận định của tờ báo, như hiểu rất rõ rằng nếu muốn chế ngự Mỹ và thế giới, Trung Quốc tuyệt đối phải thu hẹp khoảng cách công nghệ. Và để thắng được bàn cược kinh tế, thương mại, kỹ thuật số, Bắc Kinh đã chọn cách… “đi ăn cắp bí mật” của phương Tây. Một kiểu phương pháp “đi tắt đón đầu” rẻ tiền nhưng không nguy hiểm, Le Nouvel Observateur kết luận.

Những diễn biến đó giúp chúng ta một bài học cảnh giác vô cùng quý giá trong việc bảo mật thông tin, bảo mật các thiết bị điện tử khi nối mạng Internet. Nếu chúng ta lơ là thì sẽ làm thiệt hại vô cùng to lớn cả về chính trị, kinh tế, quốc phòng và an ninh của đất nước trước họa tấn công mạng tin học của cơ quan tình báo các nước.

TUYẾT MINH
 

;
.
.
.
.
.