.

Nhân quyền - câu chuyện không của riêng ai

Trong suốt chiều dài lịch sử của nhân loại, vấn đề nhân quyền và thúc đẩy nhân quyền phát triển luôn là câu chuyện không chỉ cho riêng cá nhân nào, quốc gia nào, dân tộc nào, mà là vấn đề chung của cộng đồng quốc tế.

Đối với lịch sử đương đại, thúc đẩy quyền con người luôn là một trong những vấn đề quốc tế lớn và là một trong 3 trụ cột hoạt động chính của LHQ, bên cạnh các vấn đề về hòa bình, an ninh quốc tế và hợp tác phát triển. Bởi vậy, năm 2006, Đại hội đồng LHQ quyết định thành lập Hội đồng Nhân quyền để thay thế Ủy ban Nhân quyền trước đây bị các nước phê phán là hoạt động kém hiệu quả.

Đầu năm 2013, Việt Nam chính thức ứng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ. Và trong cuộc bỏ phiếu của Đại hội đồng LHQ ngày 12-11, với 184 phiếu thuận/192 phiếu, Việt Nam trúng cử với số phiếu cao nhất trong số 14 nước thành viên mới và lần đầu tiên trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2014-2016.

Theo đó, Việt Nam sẽ có cơ hội đóng góp trực tiếp một cách xây dựng và trách nhiệm vào công cuộc bảo vệ, thúc đẩy các giá trị quyền con người trên phạm vi toàn thế giới, cũng như có điều kiện chia sẻ, học hỏi những kinh nghiệm từ bạn bè quốc tế nhằm bảo đảm sự thụ hưởng ngày càng tốt hơn các quyền của mỗi người dân Việt Nam.

Song, trước và ngay sau khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ, có không ít chiến dịch do các thế lực thù địch trong và ngoài nước tìm mọi cách bêu xấu hình ảnh một Việt Nam đang trên con đường xây dựng và phát triển. Họ lu loa và cố tình xuyên tạc sự thật rằng Việt Nam đàn áp tôn giáo, đàn áp những người “bất đồng chính kiến”, bóp ngặt tự do ngôn luận, tự do báo chí nên không xứng đáng là thành viên Hội đồng Nhân quyền (?!).

Nhưng họ không nhìn thấy thực tế, trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc, nhất là kể từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước đến nay đều nhằm mục tiêu phấn đấu không mệt mỏi cho dân chủ, nhân quyền, độc lập dân tộc. Việt Nam đã đánh bại các kẻ thù hùng mạnh và hung bạo nhất trong lịch sử cận đại để giải phóng đất nước, bảo vệ Tổ quốc. Vừa thoát khỏi các cuộc chiến tranh tàn khốc, Việt Nam đã bắt tay ngay vào xây dựng đất nước.

Tuy còn những khó khăn trở ngại, thậm chí những thử thách vô cùng chông gai, phức tạp, nhưng với sự ủng hộ mạnh mẽ của các tầng lớp nhân dân, bạn bè quốc tế, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã và đang tập trung mọi nỗ lực để từng bước xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền, phát huy dân chủ, bảo đảm ngày càng tốt hơn các quyền của người dân.

Trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, Đảng và Nhà nước ta đều hướng đến mục tiêu phục vụ, chăm lo mọi mặt đời sống của các tầng lớp nhân dân. Trong mục tiêu Thiên niên kỷ của LHQ, Việt Nam được đánh giá là hình mẫu trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an ninh lương thực, an sinh xã hội, từng bước nâng cao đời sống của các tầng lớp nhân nhân, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa, ở biên giới, hải đảo.

Bởi vậy, việc Việt Nam trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền đánh dấu bước tiến mới trong nỗ lực triển khai chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI và Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế. Như Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh trả lời báo chí nêu rõ: “Việc Việt Nam trúng cử là thành công to lớn của công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta, phản ánh vị thế và uy tín ngày càng cao của đất nước trên trường quốc tế.

Thành công này không đến một cách ngẫu nhiên, nó thể hiện thế và lực của đất nước đang ngày một vững chắc hơn, là sự tiếp nối của những thành công của Việt Nam trong ASEAN, APEC, ASEM, của việc cộng đồng quốc tế ủng hộ Việt Nam đăng cai Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới năm 2015 và Hội nghị cấp cao APEC năm 2017. Trong các cuộc tiếp xúc để vận động các nước bầu Việt Nam vào Hội đồng Nhân quyền, tôi cũng rất xúc động về tình cảm sâu sắc bạn bè quốc tế đối với đất nước, nhân dân ta. Trong đó, nhiều vị lãnh đạo đã tích cực ủng hộ chúng ta trong những năm tháng đầy khó khăn trước đây của đất nước ta”.

Đây là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với những thành tựu của Việt Nam trong việc bảo đảm ngày càng tốt hơn các quyền của người dân trên tất cả các lĩnh vực chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa, giáo dục, tôn giáo, tín ngưỡng… Đó cũng là câu trả lời xác đáng nhất cho những thế lực thù địch lâu nay luôn toan tính những âm mưu đen tối nhằm phá bỏ những thành tựu mà Đảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam đã góp cả máu, nước mắt và mồ hôi xây đắp nên.

TUYẾT MINH
 

;
.
.
.
.
.