Thảm họa mà người dân Philippines đang đối mặt do siêu bão Haiyan gây ra trở thành vấn đề nóng trên bàn nghị sự của hội nghị về chống biến đổi khí hậu lần thứ 19 do LHQ tổ chức tại Warsaw (Ba Lan). Những ngày này, thế giới hướng về Warsaw với mong muốn có một thỏa thuận về chống biến đổi khí hậu, trong đó các nước phát triển phải đi đầu, chứ không là những lời hứa suông.
Có không ít quan ngại rằng, Warsaw cũng sẽ bế tắc như những hội nghị của LHQ trước đó khi các nước giàu không sẵn sàng từ bỏ lợi ích của mình trong việc cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính và hỗ trợ các nước nghèo chống biến đổi khí hậu. Thông điệp mà ông Naderev Yeb Sano, trưởng đoàn đàm phán Philippines, đưa ra tại hội nghị chính là lời cảnh báo đanh thép nhất về tình trạng ấm nóng toàn cầu. Cả thế giới chết lặng không chỉ vì ông Sano bật khóc tại hội nghị, mà vì vị đại diện của Philippines đã chạm vấn đề: sự hủy diệt tàn khốc của thiên tai nếu con người không chung tay hành động ngay bây giờ. Nước mắt đang rơi ở miền Trung Philippines, nhất là ở thành phố Tacloban - nơi tồn tại cái chết nhiều hơn sự sống.
Có lẽ người dân Philippines không thể hình dung được rằng, sau cơn bão Bopha vào tháng 12-2012 làm khoảng 500 người chết và hàng chục nghìn người mất nhà cửa, chỉ gần một năm sau, họ phải chịu thêm một cơn bão còn dữ dội hơn, được cho là mạnh nhất trong lịch sử loài người. Ông Sano gọi đó là “sự xoay chuyển tàn nhẫn của số mệnh”. Nhưng điều đáng nói, nạn nhân của “sự xoay chuyển đó” lại là những người nghèo - những người dễ bị tổn thương nhất.
Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cũng vừa cho biết, năm 2013 xếp thứ 7 trong danh sách 10 năm nắng nóng kỷ lục nhất trên thế giới, kể từ năm 1850 đến nay. Chưa rõ năm tới và những năm tới nữa sẽ như thế nào, nhưng nếu cứ gia tăng quá trình ấm lên toàn cầu, tăng nồng độ cacbon dioxit trong khí quyển và các loại khí thải nhà kính tăng kỷ lục thì các thảm họa thiên tai là điều khó tránh khỏi.
“Giờ là lúc hành động. Chúng ta cần có lộ trình khẩn cấp về khí hậu… Nếu không phải chúng ta thì là ai? Nếu không phải bây giờ thì là bao giờ? Nếu không phải ở Warsaw thì ở đâu?”, ông Sano nói. Thông điệp đầy nước mắt của cá nhân ông Sano và của cả đất nước Philippines mang đến Ba Lan không biết có làm thức tỉnh những nước giàu hay không.
Mọi hy vọng đều trông chờ vào cam kết của các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị ở Warsaw và tiếng nói của LHQ.
VĨNH AN