.

Lần đầu và số một

Năm 2013, trên vùng biển Hoa Đông nổi lên những cơn sóng dữ, lôi kéo các quốc gia trong khu vực như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước có liên quan khác vào vòng xoáy, mà tâm điểm là tranh chấp chủ quyền xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và việc Trung Quốc thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ).

Chính hai nhân tố đó đã đẩy các nguy cơ đối đầu quân sự giữa Nhật Bản và Trung Quốc tăng lên đột ngột. Trong bài “Nước Nhật trỗi dậy” trên Tạp chí Time của Mỹ số ra mới đây, cho hay trong vòng 3 tháng từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2013, không quân Nhật đã 69 lần báo động cho máy bay chiến đấu cất cánh khẩn cấp để xua đuổi máy bay Trung Quốc xâm nhập quần đảo Senkaku/Điếu ngư. Tháng 9, lần đầu tiên Trung Quốc cho một oanh tạc cơ và một máy bay trinh sát không người lái (drone) tiến thật gần không phận Nhật Bản. Loại “drone” này từng được một viên chức Trung Quốc khoe khoang hiệu năng phóng rocket sát hại một trùm ma túy Myanmar ở khu tam giác vàng sau khi một tàu tuần tra biên giới của Trung Quốc trên sông Mekong bị tấn công hồi năm ngoái.

Nhật Bản đã không ngần ngại nâng cấp lực lượng vũ trang, tăng ngân sách quốc phòng lên mức cao kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai đến nay. Chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe vừa thông báo kế hoạch quốc phòng cho 5 năm tới lên gần 240 tỷ USD, tăng 5% so với chi phí quân sự 2012, đã được tăng 2% sau 11 năm không thay đổi. Từ một năm nay, Nhật Bản liên tục trang bị thêm vũ khí chiến lược: hàng không mẫu hạm trực thăng, khu trục hạm chống tên lửa và phòng không Aegis, hạ thủy chiếc khu trục hạm khổng lồ Izumo có đường băng tiếp nhận máy bay như một hàng không mẫu hạm. Việc thêm bảy khu trục hạm, nâng tổng số tàu chiến loại này của Nhật Bản lên 54 chiếc; thêm sáu tàu ngầm (nâng tổng số lên 22). Một phi đội thứ hai gồm 20 chiến đấu cơ F-15 sẽ được triển khai trên đảo Okinawa, gần vùng Senkaku, cùng với loại máy bay cảnh báo sớm. Quân đội Nhật Bản sẽ cung cấp thêm máy bay không người lái cho lực lượng không quân, và sẽ lần đầu tiên thành lập một lực lượng Thủy quân lục chiến theo mô hình Mỹ.

Chuyện gì đã làm cho một quân đội chỉ có 250.000 quân, từ 60 năm nay bị trói buộc vào bản Hiến pháp hòa bình phải biểu dương lực lượng, phô trương sức mạnh nhanh đến như vậy? Câu trả lời từ phía Nhật Bản rất đơn giản là tình trạng phải thường xuyên đối phó với các hành động khiêu khích quân sự của Trung Quốc trên biển và trên không, đặc biệt là từ khi tàu chiến Trung Quốc chĩa ra-đa tác xạ tên lửa vào một trực thăng và một tàu tuần dương Nhật Bản trong hải phận quốc tế và gần đây nhất là “vùng phòng không” trên biển Hoa Đông.

Còn về chiến lược an ninh của chính quyền Nhật Bản trong bối cảnh gia tăng các đối đầu quân sự với Trung Quốc sẽ như thế nào? Được biết, chỉ vài tuần sau khi Trung Quốc tuyên bố thành lập ADIZ mới trên biển Hoa Đông, gộp luôn quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp với Nhật Bản, chính quyền Tokyo hôm 17-12 đã chính thức loan báo gia tăng đáng kể ngân sách quốc phòng, và nhất là thông qua một chiến lược an ninh quốc gia. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1945 đến nay, Nhật Bản đề ra một chiến lược an ninh quốc gia, và đối tượng số một được nhắm tới là Trung Quốc. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe gọi chiến lược an ninh quốc gia vừa được công bố là “lịch sử” và hứa hẹn rằng Nhật Bản sẽ đáp ứng “một cách bình tĩnh nhưng kiên quyết trước đà mở rộng và tăng cường nhanh chóng các hoạt động hàng hải và hàng không của Trung Quốc”.

Theo tờ The Economist (Anh) nhận định yếu tố đáng chú ý trong chiến lược an ninh của Nhật Bản là không chỉ nêu lên một cách chung chung “các thách thức phức tạp và nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia”, mà còn đặc biệt nói đến Trung Quốc với “các mưu toan thay đổi hiện trạng bằng sự ép buộc”, và sự cần thiết phải “lấy lại và gìn giữ không chậm trễ” các hải đảo xa xôi nếu bị xâm chiếm. Giải thích về thái độ cứng rắn của Nhật Bản, báo trên cho rằng việc Mỹ lên án quyết định thành lập vùng nhận dạng phòng không của Trung Quốc nhưng không công khai kêu gọi hủy bỏ khu vực đó, đã làm dấy lên nhiều mối lo ngại ở Nhật Bản. Tokyo sợ rằng Washington có thể không tôn trọng các cam kết, theo đó, hiệp ước phòng thủ hỗ tương Mỹ-Nhật cũng có hiệu lực đối với quần đảo Senkaku.

Phản ứng khi chiến lược an ninh quốc gia của Nhật Bản vừa được công bố, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã cáo buộc Tokyo “thổi phồng mối đe dọa Trung Quốc”. Bắc Kinh lại càng tức giận hơn sau nhận định của Thủ tướng Abe nhân Hội nghị Thượng đỉnh tại Tokyo với các lãnh đạo Đông Nam Á trong hai ngày 13-14 tháng 12, khi ông đã khuyên các đồng nhiệm, trong đó có lãnh đạo 4 nước hiện đang có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ở Biển Đông, là phải coi vùng nhận dạng phòng không Trung Quốc trên biển Hoa Đông là một vấn đề đáng quan ngại đối với toàn khu vực.

Rõ ràng, việc lần đầu tiên Nhật Bản công bố chiến lược an ninh quốc gia mà đối tượng số một là Trung Quốc và gia tăng tiềm lực quốc phòng để đối phó cho thấy tình hình trên vùng biển Hoa Đông đã thật sự nóng bỏng. Nguy cơ xung đột vũ trang có thể xảy ra bất cứ lúc nào nếu các bên có liên quan không kiềm chế. Những diễn biến đó cũng có những nét tương đồng ở Biển Đông, nếu một khi Trung Quốc cố tình thiết lập ADIZ, tăng cường các hoạt động tranh chấp, gây nguy hại cho an ninh hàng hải... Là một bên có liên quan ở Biển Đông, chúng ta càng nêu cao tinh thần cảnh giác, không ngừng đấu tranh bằng mọi biện pháp để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.