Vụ do thám bí mật của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) do cựu nhân viên Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Edward Snowden tiết lộ ngày càng gây khó cho Washington vì nó xâm hại lợi ích của nhiều quốc gia trên thế thế giới. Thậm chí, các lãnh đạo chủ chốt của NSA đánh giá những tổn hại do Snowden gây ra rất nghiêm trọng đối với an ninh nước Mỹ.
Một ủy ban do Tổng thống Barack Obama thành lập nhằm đánh giá hoạt động do thám của Mỹ đã kêu gọi kiểm tra lại kỹ lưỡng trên diện rộng hoạt động của NSA và đưa ra 46 khuyến nghị, trong đó có việc cải cách tòa án mật về an ninh quốc gia và chấm dứt việc sử dụng “siêu dữ liệu” điện thoại của NSA. Báo cáo dày 308 trang của ủy ban được công bố ngày 18-12 cho rằng, chính phủ Mỹ cần cân đối các lợi ích an ninh quốc gia, thu thập thông tin tình báo với quyền riêng tư và “bảo vệ dân chủ, tự do dân sự và quy định của luật pháp”.
Báo cáo cũng kêu gọi tiến hành “các biện pháp có ý nghĩa nhằm bảo vệ quyền riêng tư của những người không phải là công dân Mỹ” và hối thúc hợp tác hơn nữa với các đồng minh để tránh bất đồng ngoại giao do các tiết lộ về việc thu thập thông tin tình báo. Tuy nhiên, báo cáo của ủy ban vẫn cho rằng cần tiếp tục duy trì các khả năng tình báo “mạnh mẽ” của NSA (?!).
Trước đây 2 ngày, trong bản phán quyết dài 68 trang, Thẩm phán liên bang khu vực thủ đô Washington, ông Richard Leon, xác định việc NSA bí mật nghe lén điện thoại của hơn 5 triệu người trên toàn thế giới, trong đó có hàng triệu công dân Mỹ, là vi phạm Hiến pháp, xâm phạm điều luật về quyền riêng tư của các cá nhân.
Thẩm phán Richard Leon ra lệnh chính phủ Mỹ ngừng các hoạt động thu thập và nghe lén điện thoại đối với khách hàng của hai tập đoàn AT&T và Verizon; đồng thời hủy tất cả các dữ liệu mà NSA đã thu thập từ các cuộc nói chuyện điện thoại của công dân của cường quốc hàng đầu thế giới.
Phán quyết trên của Thẩm phán liên bang được đưa ra sau khi luật sư chuyên bảo vệ các quyền công cộng Larry Klayman, người sáng lập tổ chức “Freedom Watch” phát đơn kiện NSA lên Tòa án Tối cao Mỹ. Một số khách hàng của các công ty điện thoại, trong đó có Verizon và AT&T cùng một số tổ chức bảo vệ quyền dân sự như Liên đoàn các quyền dân sự Mỹ (ACLU) và Trung tâm Thông tin điện tử cá nhân (EPIC), cũng đã phát đơn kiện riêng rẽ về chương trình do thám bí mật của NSA lên Tòa án Tối cao.
Vụ việc không dừng lại ở nội bộ nước Mỹ, Đại hội đồng LHQ ngày 18-12 đã ra nghị quyết kêu gọi chấm dứt hoạt động do thám điện tử thái quá và bày tỏ quan ngại về sự tổn hại của hoạt động này đối với các quyền con người, trong đó có việc do thám cả ở nước ngoài và thu thập quy mô lớn dữ liệu cá nhân.
Nghị quyết do Đức và Brazil - 2 quốc gia bị NSA nghe lén thông tin điện tử nhiều nhất, kể cả người đứng đầu Nhà nước-soạn thảo đã được Đại hội đồng LHQ thông qua. Mỹ, Anh, Úc, Canada và New Zealand, được biết tới là 5 đồng minh do thám điện tử, cũng ủng hộ nghị quyết. Nghị quyết trên không đề cập tới quốc gia cụ thể nào, song được đưa ra sau khi Edward Snowden công bố hàng loạt chi tiết về chương trình do thám toàn cầu của NSA.
Tuy các nghị quyết của Đại hội đồng không có giá trị ràng buộc pháp lý, nhưng thể hiện sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế và có thể mang sức nặng đáng kể về đạo đức và chính trị. Cảnh báo này một lần nữa cho thấy vấn đề do thám điện tử, nhất là ở các quốc gia có nền khoa học công nghệ phát triển như Mỹ, Anh, Úc, Canada và New Zealand... đang bị phê phán nghiêm khắc. Đó cũng là bài học cảnh giác cho tất cả mọi người, cho các quốc gia, trong việc bảo vệ sự tự do, sự riêng tư của công dân cũng như vấn đề an ninh quốc gia trước sự xâm nhập của các cơ quan tình báo nước ngoài trên mạng điện tử.
TUYẾT MINH