.

Đông Nam Á đang lợi thế

Trong hơn một năm qua, quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc xấu đi rõ rệt do tranh chấp quần đảo không người ở Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông. Cùng thời điểm, quan hệ Nhật - Hàn cũng suy thoái do tranh chấp về đảo Dokdo/Takeshima trên biển Nhật Bản. Đặc biệt, chuyến viếng thăm đền Yasukuni của Thủ tướng Shinzo Abe mới đây làm trầm trọng thêm mối quan hệ song phương giữa Nhật Bản - Trung Quốc và Nhật Bản - Hàn Quốc. Điều đó cũng tác động trực tiếp mạnh mẽ đến sự giao thương của các bên có liên quan.

Khảo sát do 3 tờ báo Nikkei của Nhật, Global Times của Trung Quốc và South Korea Mail Business của Hàn Quốc đồng thực hiện vào tháng 12-2013 tại 109 công ty ở Nhật Bản, 100 công ty ở Trung Quốc và 137 công ty tại Hàn Quốc cho thấy có đến 60% chủ doanh nghiệp Trung Quốc cảm thấy khó làm ăn với các công ty Nhật Bản do quan hệ chính trị đang căng thẳng giữa hai nước; 60% chủ doanh nghiệp Hàn Quốc sẵn sàng hạn chế quan hệ kinh doanh với các công ty Nhật Bản. 80% doanh nghiệp Nhật Bản xác định rằng, họ không thấy khó khăn gì trong việc giao thương với Trung Quốc hoặc Hàn Quốc. Tuy nhiên, cũng có không ít chủ doanh nghiệp Nhật Bản ngày càng có thái độ ngần ngại hơn trong việc bỏ cả vốn liếng vào công cuộc kinh doanh với Trung Quốc, dù nước láng giềng này vẫn là một thị trường béo bở. Hiện vẫn có 38% doanh nhân Nhật Bản xem Trung Quốc là thị trường nhiều hứa hẹn nhất đối với họ. Song, tỷ lệ này đã giảm 10% so với một cuộc khảo sát tương tự, được thực hiện cùng một thời điểm.

Cuộc khảo sát nói trên diễn ra trước lúc Thủ tướng Nhật Bản viếng đền Yasukuni.

Cùng với đà giảm sút lòng tin vào thị trường Trung Quốc, giới kinh doanh Nhật Bản đã tín nhiệm Đông Nam Á nhiều hơn. Có đến gần 2/3 chủ doanh nghiệp Nhật Bản cho rằng vùng Đông Nam Á, với 600 triệu người, là thị trường hứa hẹn nhất của họ. Giới kinh doanh Nhật Bản cho rằng, ở các nước ASEAN, sức tiêu dùng mạnh mẽ của tầng lớp trung lưu, nguồn nhân lực dồi dào và giá nhân công rẻ là những nhân tố hấp dẫn các doanh nghiệp Nhật. Nếu coi giá thuê nhân công ở Trung Quốc là 100 thì ở Philippines là 77, Indonesia là 70, Việt Nam 44 và Myanmar là 16.

Theo ghi nhận của hãng AFP, trong giới kinh doanh Nhật Bản hiện nay, công thức đang được vận dụng khá phổ biến là “Trung Quốc + 1”.  Nói cách khác, bên cạnh duy trì mối quan hệ làm ăn với Trung Quốc, các công ty Nhật Bản ngày càng tìm cách mở rộng địa bàn kinh doanh ở nơi khác, chủ yếu là ở vùng Đông Nam Á. “Địa chỉ đỏ” mà các công ty Nhật Bản thường hướng tới có thể gọi tắt bằng 3 chữ cái ghép lại “V.I.P”, đó là Việt Nam, Indonesia và Philippines. Ngoài ra, Myanmar cũng là thị trường được nhiều doanh nghiệp Nhật để mắt tới.

Mạng Sankei (Nhật Bản) dẫn nguồn Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) cho biết, đầu tư trực tiếp từ nước này trong nửa đầu năm 2013 vào ASEAN đạt 1.020 tỷ yen, trong khi Trung Quốc là 490 tỷ yen. Năm 2012, con số này lần lượt là 1.150 tỷ yen và 1.070 tỷ yen. Từ năm 2009 đến nay, đầu tư vào ASEAN liên tục vượt Trung Quốc. Xu hướng này vẫn duy trì ổn định và đang tiếp tục mở rộng thời gian gần đây. Ví dụ cho hay, ở Philippines, trong vòng 1-2 năm qua, các nhà máy của Nhật Bản mọc lên như “nấm sau mưa”, trong đó có trường hợp doanh nghiệp Nhật chuyển một phần bộ phận sản xuất từ Trung Quốc sang.

Ở Myanmar, trọng tâm hướng tới của Nhật Bản là ngành dệt may và da giày. Đặc biệt, Việt Nam cũng đang đón luồng đầu tư mạnh mẽ từ các doanh nghiệp Nhật vốn đang trong chiến lược chuyển một bộ phận sản xuất từ Trung Quốc sang ở các lĩnh vực như may mặc, cơ khí, điện tử, phụ tùng ô-tô…

Một chuyên gia phân tích của Nhật Bản khẳng định: “Để giảm bớt rủi ro khi quá chú trọng vào các cơ sở sản xuất ở Trung Quốc, từ nay xu thế chuyển dịch chức năng sản xuất từ Trung Quốc sang việc xây mới các cơ sở ở ASEAN sẽ tăng mạnh”.

Còn hãng FRI của Pháp dẫn lời của chuyên gia Mitsumaru Kumagai, Trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế tại Viện Nghiên cứu Daiwa, giải thích: “Tốt hơn hết là phải đa dạng hóa đầu tư, đặc biệt là vào vùng Đông Nam Á, để giữ một khoảng cách nhất định đối với Trung Quốc, qua đó tránh được các vấn đề tiềm tàng”.

Những diễn biến đó cho thấy, các quốc gia Đông Nam Á cần khai thác triệt để những lợi thế nhằm thu hút các nhà đầu tư của Nhật Bản và cả Hàn Quốc… Đặc biệt, khi ASEAN đang hướng tới cộng đồng kinh tế - văn hóa vào năm 2015, việc thu hút ngày càng nhiều dòng vốn đầu tư ngoài khu vực sẽ đóng vai trò tích cực và quan trọng nhằm góp phần xây dựng ASEAN vững mạnh về kinh tế.

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.