.

Kinh tế Thái Lan bị đe dọa

Cho đến thời điểm hiện nay, cuộc khủng hoảng chính trị ở Thái Lan vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc. Chính phủ tạm quyền của bà Yingluck Shinawatra đã vạch ra các bước đi cho tiến trình hòa giải dân tộc và ổn định đất nước, trong đó có việc thúc đẩy cuộc bầu cử Quốc hội diễn ra vào tháng tới.

Tuy nhiên, phe đối lập vẫn không lùi bước, quyết thúc đẩy cuộc đấu tranh đường phố bằng việc tiến hành các cuộc biểu tình đại quy mô, kể cả chiến dịch “chiếm thủ đô Bangkok” bắt đầu khởi động từ ngày 5-1 và cao điểm là ngày 13-1 để buộc chính phủ của bà Yingluck Shinawatra phải từ chức. Cuộc quyết đấu của hai bên đã đẩy nền chính trị Thái Lan tiếp tục lún sâu vào khủng hoảng và là nguyên nhân căn bản làm cho kinh tế nước này bị đe dọa nghiêm trọng.

Các chỉ số trên thị trường cho thấy đồng bath, đồng tiền quốc gia Thái Lan đã xuống đến mức thấp nhất kể từ năm 2010. Theo chuyên gia kinh tế Pareena Phuangsiri, đồng baht sẽ tiếp tục yếu đi trong thời gian tới với yếu tố chi phối mạnh nhất là chính trị. Các số liệu công bố vào ngày 2-1 tuần trước, đồng bath đã bị mất đi 5% giá trị, với 45 bath đổi được 1 euro. Thị trường chứng khoán Thái Lan (SET) đóng cửa hôm  3-1 với 1.224 điểm, thấp nhất kể từ một năm qua. Dự báo tỉ lệ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa, vốn đã gặp khó khăn vào cuối năm 2013 do kinh tế Trung Quốc chậm lại, chỉ khoảng 4%, so với tỉ lệ 6,5% của năm 2012. Ước tính tình hình chính trị bất ổn vừa qua có thể gây thiệt hại khoảng 600 triệu USD cho Thái Lan.

Trong khi đó, loan báo của thủ lĩnh đối lập Suthep Thaugsuban sẽ phong tỏa thủ đô Bangkok vào ngày 13-1 tới cũng làm giới kinh doanh e sợ. Pichai Nariphthanpan, một trong những người có trách nhiệm của đảng cầm quyền Pheu Thai cảnh báo hành động này nếu xảy ra sẽ có nguy cơ ảnh hưởng đến đầu tư nước ngoài vốn đã xuống thấp. Dẫn số liệu của Bangkok Post, ông Pichai cho biết các nhà đầu tư ngoại quốc vào tháng 12-2013 đã bán ra khoảng 200 tỉ bath cổ phiếu (4,5 tỉ euro). Theo ông Pichai, khủng hoảng chính trị đã làm nền kinh tế Thái thiệt hại 70 tỉ bath.

Đặc biệt ngành Du lịch, lĩnh vực quan trọng và có đóng góp lớn cho tăng trưởng GDP của Thái Lan bị ảnh hưởng nặng nề. Dự kiến, ngành này sẽ thất thu hơn 25 tỷ baht vì nhiều nước đã cảnh báo công dân không đến nước này trong bối cảnh bất ổn. Thống kê sơ bộ của Hiệp hội du lịch Thái Lan cho biết, tính đến hết tháng 12, lượng khách du lịch hiện đã giảm hơn 20%. Những tháng trước, khách du lịch mới chỉ hoãn chuyến đi để xem xét diễn biến tình hình, nhưng khi phong trào biểu tình kéo dài và bạo lực xảy ra ở một vài nơi thì họ đã quyết định hủy các chuyến đi tới Thái Lan. Có tới 400.000 khách hủy các chuyến du lịch Thái Lan.

Phó Chủ tịch Liên đoàn công nghiệp Thái Lan Tanit Sorat cảnh báo phe đối lập, nếu thủ đô bị phong tỏa, các hoạt động ngân hàng, thương mại và du lịch sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.

Các công ty du lịch và các khách sạn đang rất lo ngại : cho dù các bãi biển vẫn đông người vào đầu năm 2014, nhưng những người buôn bán ở Bangkok than thở doanh số bán cho khách du lịch đã giảm sút.

Gia đình ông Suwicharn Camanathamkomol kinh doanh nhà hàng tại Bangkok đã qua 4 thế hệ. Nhưng thời gian gần đây, doanh thu của nhà hàng đã giảm mạnh do nhà hàng nằm ngay tại trung tâm của khu vực biểu tình. Ông Suwicharn Camanathamkomol cho biết: “Doanh thu của nhà hàng đã giảm 50% bởi khách quen của chúng tôi đã không dám vào khu vực này. Họ lo ngại về tình trạng ùn tắc giao thông và phong tỏa đường phố”.

Vào thời điểm mùa du lịch đang đến, thiệt hại được cho là còn tăng. Theo một cuộc thăm dò dư luận do nhà chức trách du lịch Thái Lan tiến hành, số phòng khách sạn được thuê đã giảm 25%. Trong một cuộc thăm dò dư luận khác cho thấy, 54,09% số người dân Thái Lan được hỏi đã bày tỏ lo ngại về cuộc biểu tình của phe đối lập, vì có thể xảy ra bạo lực nghiêm trọng, tác động tiêu cực tới nền kinh tế Thái Lan và gây khó khăn cho sinh hoạt của nhân dân.

Hiện có tới 40 quốc gia đã ban bố khuyến cáo du lịch đến Thái Lan, lượng khách đến với những khu nghỉ mát nổi tiếng đã giảm sút đáng kể. Hãng hàng không Singapore đã giảm các chuyến bay tới Bangkok do lượng khách giảm và e ngại những bất ổn có thể đe dọa tới an ninh hàng không.

Theo các nhà kinh tế, khủng hoảng chính trị có thể khiến kinh tế Thái Lan năm 2014 gặp nhiều khó khăn hơn. Các hoạt động xuất khẩu, đầu tư trong lĩnh vực công và tư nhân vào năm tới sẽ bị tác động xấu. Thêm vào đó, người dân tiếp tục hạn chế chi tiêu nếu không có các biện pháp kích thích. Ngân hàng Trung ương Thái Lan đã giảm mức dự báo tăng trưởng GDP của nước này trong năm 2014 từ 4,8% xuống còn 4%. Trong khi đó, giới chuyên gia nhận định nền kinh tế Thái Lan có thể chỉ tăng trưởng dưới 3%.

Rõ ràng tình trạng bất ổn về chính trị hiện nay là nguyên nhân căn bản và trực tiếp tác động tiêu cực rất nghiêm trọng tới nền kinh tế Thái Lan. Không những vậy, nó làm cho đời sống của người dân và du khách nước ngoài bất an, lo sợ, kể cả tính mạng bị đe dọa khi biểu tình biến thành bạo lực. Đây là một dấu hiệu đáng buồn ở đất nước của những nụ cười.

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.