.

"Phương án hai"

Vụ tiết lộ các hoạt động do thám của cơ quan tình báo Mỹ với các nước đồng minh cũng như chuyện nghe lén điện thoại của hàng triệu công dân Mỹ dưới danh nghĩa chống khủng bố do Edward Snowden, nhân viên Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) công bố trước đây, đã gây nên sự bất bình của dư luận Mỹ và cộng đồng quốc tế.

Tuy nhiên, cộng đồng tình báo Mỹ vẫn không lùi bước trước sự phản ứng của dư luận mà đang tiếp tục tìm các phương án thay thế để kiểm soát chặt chẽ các hoạt động của cả công dân nước mình lẫn các nước khác tại quốc gia này. Mới đây, Bộ An ninh nội địa Mỹ công bố chủ đề một cuộc thi nhằm tạo lập cơ sở dữ liệu, có thể hỗ trợ để theo dõi sự di chuyển của hơn 1 tỷ ô-tô trong nước Mỹ. Các nhà hoạt động nhân quyền nước này gọi là “phương án hai”.

Theo tờ Washington Post, hồ sơ với mỗi ô-tô sẽ gồm hình ảnh xe, số đăng ký và những thông tin khác. Bằng cách sử dụng những thiết bị lắp đặt trên các đường phố có thể nhanh chóng xác định vị trí của lái xe phạm luật (?!). Trong bối cảnh scandal về chương trình giám sát đại trà mà NSA tiến hành, kế hoạch kể trên của Bộ An ninh nội địa càng khiến giới hoạt động nhân quyền lo ngại. Họ cho rằng, chủ trương của Bộ An ninh nội địa về việc lập cơ sở dữ liệu về xe cộ và kiểm soát quá trình di chuyển có thể dùng để do thám các công dân bình thường, mặc dù trên danh nghĩa là không vi phạm luật.

Trong khi đó, cuối tuần qua, Thượng nghị sĩ Rand Paul - ứng viên Tổng thống tiềm năng từ Đảng Cộng hòa - đệ đơn kiện Tổng thống Barack Obama tại Tòa án Columbia. Ông Rand Paul cáo buộc chính quyền đương nhiệm vi phạm Tu chính án thứ tư của Hiến pháp Mỹ. Đó là điều mục bảo đảm quyền bất khả xâm phạm nhân thân của con người và tài sản khỏi những vụ khám xét, bắt bớ vô căn cứ. Xuất phát từ sửa đổi này, ở Mỹ chỉ được nghe lén điện thoại của người này người khác nếu theo lệnh của Tòa án. Nhưng bây giờ, trong khuôn khổ pháp luật về đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố, các cơ quan tình báo có thể nghe điện thoại của bất kỳ ai - với quyết định dành riêng, có sẵn từ trước. Thượng nghị sĩ Rand Paul cho rằng, làm vậy là phi pháp.

Việc khiếu kiện nói trên không phải là vụ đầu tiên. Tòa án liên bang ở Washington năm ngoái thừa nhận chương trình gián điệp của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) là trái với Hiến pháp. Còn Tòa án liên bang ở New York, trái lại, xác nhận rằng cơ quan an ninh đã hành động hợp hiến. Cả hai phán quyết đều có kháng cáo, và bây giờ vấn đề sẽ được xem xét tại Tòa án Tối cao Mỹ.

Trong khi đó, ngày 11-2 vừa qua, lãnh đạo của các cơ sở cung cấp Internet Mỹ, bao gồm cả Google, Yahoo! và Facebook đã gửi thư cho Tổng thống và Quốc hội Mỹ, yêu cầu chấm dứt áp lực từ phía NSA buộc các hãng này cung cấp dữ liệu về khách hàng. Có thể thấy, sự giám sát trên Internet của cơ quan tình báo Mỹ cũng đang tiếp nối.

Dư luận Mỹ cho rằng, đạo luật về chống chủ nghĩa khủng bố, cung cấp quyền hạn đặc biệt cho cơ quan tình báo đã được thông qua ở Mỹ vào tháng 10-2001, tức 6 tuần lễ sau vụ 11-9-2001. Vào thời điểm đó, việc Mỹ tuyên cáo “cuộc chiến toàn cầu” chống khủng bố và cấp quyền đặc biệt cho cơ quan an ninh xem ra có vẻ hợp lý. Còn bây giờ, hơn 12 năm sau những vụ tấn công khủng bố ở Mỹ, và sau khi thực tế kết thúc “chiến tranh toàn cầu chống chủ nghĩa khủng bố”, dù không công bố chính thức, thì quyền hạn đặc biệt của cơ quan tình báo phải cần lời giải thích rõ ràng, minh bạch, chứ không thể lợi dụng nó để kiểm soát quyền tự do của công dân Mỹ.

Một điểm khác cũng cho thấy, ngay sau những cáo giác của Snowden, Tổng thống Obama đã đưa ra những lời hứa hẹn với người dân về việc lập lại trật tự trong lĩnh vực này. Thế nhưng, đến nay chưa hề có tiến bộ thực sự - và các đối thủ chính trị của ông Obama dự định bắt bẻ Tổng thống về lời tuyên bố đó.

Lời hứa của Tổng thống Obama chính là nhắm tới các công dân Mỹ, nhưng ông không hứa gì với toàn bộ phần còn lại của thế giới. Bởi vậy, trên thực tế công việc theo dõi dò xét các nước khác vẫn sẽ được cơ quan tình báo Mỹ triển khai đầy đủ quy mô.

Còn đối với công dân Mỹ, dư luận quan ngại rằng, việc theo dõi sự di chuyển của hơn 1 tỷ ô-tô trong nước thật sự là “phương án hai” để kiểm soát các hoạt động của công dân nước mình ngày càng chặt chẽ hơn.

T.M

;
.
.
.
.
.