.

Bàn cờ chính trị thế giới

Những sự kiện vừa xảy ra ở Ukraine diễn ra đúng chu kỳ 10 năm sau cuộc Cách mạng Cam lần thứ nhất vào năm 2004.

Lần này, lực lượng chống chính quyền mạnh tay hơn không chỉ bằng các cuộc biểu tình mà còn bao vây, chiếm giữ các cơ quan công quyền và tiến hành bạo động đường phố để tạo ra sự hỗn loạn trong xã hội, đi tới cướp chính quyền, buộc Tổng thống Viktor Yanukovych phải trốn chạy.

Song, biến cố đó không xuất phát từ nội tại đơn thuần ở Ukraine mà gắn chặt với bàn tay đạo diễn từ bên ngoài, nhằm lôi kéo nước này vào quỹ đạo của Mỹ và EU, thiết lập vành đai áp sát biên giới nước Nga. Kế hoạch “hướng đông” của Mỹ và EU là làm sao cho Nga không có lối thoát, ngày càng chịu sức ép của phương Tây để không thể trở thành cường quốc quân sự, kinh tế và chính trị. Đây là điều mà Mátxccơva kiên quyết chống lại, như họ từng làm đối với kế hoạch phòng thủ tên lửa đạn đạo do Mỹ và NATO tiến hành ở một số nước Đông Âu.

Một bài bình luận trên trang điện tử Tiếng nói nước Nga gần đây chỉ rõ: Lãnh đạo Nga và đại bộ phận người dân Nga tin rằng, Syria và Ukraine, cũng như trước đây là Nam Tư, Iraq, Georgia hay Libya đã trở thành nạn nhân của chính sách toàn cầu do Mỹ thực hiện nhằm lật đổ những chế độ không mong muốn. Thông thường nó được thực hiện bằng cái gọi là “những cuộc cách mạng màu”. Kịch bản của chúng gần như giống nhau: sự bất mãn có thật của một số bộ phận người dân với tình hình trong nước được bàn tay của những kẻ cực đoan sử dụng để gây mất ổn định và cướp chính quyền có vũ trang. Phương Tây tuyên bố đó là thắng lợi của nền dân chủ, mặc dù theo thường lệ, sau “các cuộc cách mạng màu”, lên nắm chính quyền hoàn toàn không phải là những nhà dân chủ mà là những kẻ độc tài thân Mỹ và ít quan tâm nhất đến lợi ích của người dân. Nhưng nếu không thể lật đổ được lãnh đạo đất nước bằng chính người dân của họ và những kẻ khủng bố quốc tế được tung vào trong nước, Mỹ - với sự hỗ trợ của NATO và không cần được sự đồng ý của LHQ - sẽ tiến hành một cuộc xâm lược.

Bản chất của vấn đề Ukraine là cuộc tranh giành vị trí địa chính trị của Mỹ và EU. Nga đã thấy rõ điều đó. Song, nguy hiểm hơn là lực lượng chống đối xuất hiện các chiến binh của các tổ chức dân tộc cực đoan Ukraine, vốn trong nhận thức luôn cho rằng, những kẻ dân tộc cực đoan từng cộng tác với Đức quốc xã trong Thế chiến thứ hai là những anh hùng dân tộc thực sự của Ukraine. Lực lượng này đã được gửi đến tiếp viện cho những người biểu tình hòa bình trên Quảng trường Độc lập. Người ta thấy những tay súng bắn vào lưng người biểu tình để cáo buộc chính quyền Ukraine tội giết người. Tất cả những hành động đó được Mỹ và EU cỗ vũ…

Đối với các biện pháp trừng phạt nhằm vào Mátxcơva, ngay trong nội bộ EU cũng có sự phân hóa sâu sắc. Vì vậy, châu Âu không thể làm gì khác, ngoài việc kêu gọi Mátxcơva đối thoại, động viên chính quyền lâm thời Ukraine, đồng thời tìm cách chuyển giao vai trò trung gian hòa giải cho Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE). Gần đây, do sự chỉ trích của của phái cực hữu, Mỹ và NATO thông báo sẽ mở các cuộc tập trận với Ba Lan, hoặc xem xét ngừng các quan hệ quân sự trong Hội đồng hợp tác Nga - NATO.

Thành ra, châu Âu chỉ có thể gây sức ép về kinh tế. Thế nhưng, châu lục này và Nga có mối quan hệ tùy thuộc quá lớn, đặc biệt trong lĩnh vực khí đốt. Hơn nữa, việc tẩy chay, cấm xuất khẩu có thể vi phạm quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WHO), thậm chí làm tổn hại lợi ích kinh tế của châu Âu. Điều này càng khẳng định thực tế: rủi ro chính trị đi liền với sự phụ thuộc nặng nề vào nguồn cung ứng nhiên liệu.

Ở một phương diện khác, Nga cũng nắm trong tay những lợi thế mà các biện pháp trừng phạt của Mỹ và EU sẽ có tác dụng ngược lại. Cố vấn kinh tế của Tổng thống Vladimir Putin còn đưa ra phản hồi là Mátxcơva sẽ bán tháo trái phiếu chính phủ Mỹ, làm đồng USD sụt giảm; Nga chuyển sang đồng ngoại tệ khác để thanh toán, có khi thu lợi nhiều hơn là thiệt hại.

Ngoài ra, trong vấn đề Triều Tiên, Syria, Afghanistan hay cuộc chiến chống khủng bố, Mỹ và NATO cũng đang rất cần sự hợp tác của Nga. Nếu từ chối hợp tác quân sự thì đâu phải là chính sách khôn ngoan trên bàn cờ địa chính trị thế giới trong giai đoạn hiện nay vốn có quá nhiều những rủi ro, phức tạp?

Sự kiện Ukraine phải gọi đúng tên của nó là mưu toan thay đổi cán cân ảnh hưởng về địa chính trị của Mỹ và EU đối với Nga. Mỹ và EU muốn ép Nga trên mọi phương diện, làm quốc gia này luôn ở “chiếu dưới” trong các vấn đề quan trọng của thế giới. Nhưng xem ra Tổng thống Putin và ban lãnh đạo Nga không chấp nhận điều đó. Nga đã thật sự đối đầu với EU và Mỹ trong chính sách khá mềm dẻo, mang tính ràng buộc với EU và Mỹ khá cao. Vì Nga vẫn chọn đối thoại làm trung tâm, nhưng để ngỏ khả năng quân sự.

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.